Chưa điều chỉnh giá điện trong tháng 7

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, sau khi có kết quả rà soát mới có những đề suất điều chỉnh giá điện.

Xem xét phương án điều chỉnh

Liên quan đến các vấn đề về giá, tình hình cung ứng điện thời gian tới, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1/7, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ theo Quyết định này, giá điện sẽ được điều chỉnh trong 2 trường hợp: Thứ nhất là khi các thông số đầu vào cơ bản làm ảnh hưởng chi phí phát điện bao gồm giá nhiên liệu, ngoại tệ cũng như cơ cấu sản lượng phát điện có thay đổi so với kế hoạch và khi có các biến động so với kế hoạch được duyệt.

Thứ hai là khi EVN có Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính sẽ kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, sau đó sẽ có báo cáo Chính phủ và sẽ có đề xuất có điều chỉnh hay không.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. (Ảnh: Ngọc Hà)
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. (Ảnh: Ngọc Hà)

Ông Phúc cho rằng, trong thời gian qua, mặc dù ngành than tăng giá bán cho ngành điện vào tháng 4, tuy nhiên, qua quá trình theo dõi 3 tháng vừa qua cũng như kết hợp với việc EVN hoàn thành báo cáo tài chính có kiểm toán của năm 2012, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính đang rà soát các chi phí của năm 2012.

“Sau khi có kết quả rà soát, Cục Điều tiết Điện lực sẽ có những đề suất về điều chỉnh giá điện. Đồng thời, Cục Điều tiết Điện lực phải căn cứ vào nhiều yếu tố để quyết thời điểm điều chỉnh. Việc điều chỉnh giá bao nhiêu phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, giảm thiểu ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng như việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Phúc khẳng định.

Hiệu quả của thị trường phát điện cạnh tranh

Nhiều thắc mắc của báo giới liên quan đến quy định biểu giá bán điện mới khi nào chính thức được áp dụng, ông Phúc chia sẻ, việc soạn thảo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải tuân thủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Dự thảo về cơ cấu giá bán lẻ điện đang được đăng tải công khai và lấy ý kiến người dân, đóng góp vào cơ cấu biểu giá.

“Dự thảo quy định biểu giá bán điện mới cũng có 1 số thay đổi. Trong đó, giá bán lẻ cho điện cho người tiêu dùng sinh hoạt trước kia có 7 bậc thì hiện nay rút ngắn chỉ có 6 bậc. Cụ thể, bậc 3 và 4 sẽ được gộp gọn lại (trước kia người dùng trên 100 kW/h đến 200 kW/h được chia làm 2 bậc 3 và 4) nay sẽ được gộp thành 1 mức giá để giảm bậc thang. Mức giá của bậc thứ 3 cũng có thay đổi so với trước vì mức giá bậc 3 hiện nay cao hơn so với bậc 3 ngày trước nhưng lại thấp hơn bậc thứ 4 cũ cho nên giá điện sẽ được tính trung bình chung. Chính vì vậy, với mức tính cho lượng điện tiêu thụ trên 150 kW/h chỉ tăng theo cách tính cũ, còn trong cơ cấu biểu giá mới vẫn tuân thủ theo dạng bậc thang tương ứng với 108% của mức giá bán lẻ điện bình quân”, ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cũng chỉ rõ, giá điện cho ngành sắt thép, xi măng trong dự thảo quy định mới cũng được đề xuất một giá điện riêng bởi 2 ngành này chiếm tỷ trọng khá lớn trong việc tiêu thụ điện thương phẩm của cả nước, năm 2012 tiêu thụ tương đương 11,5% tổng sản lượng điện thương phẩm. nhiều nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu tốn năng lượng nên cần thay đổi công nghệ tiêu thụ ít năng lượng.

Đánh giá về hiệu quả sau 1 năm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, ông Phúc đánh giá, thị trường phát điện cạnh tranh đã cho thấy rõ tính hiệu quả. Minh bạch trong việc huy động các nguồn điện, không còn hiện tượng thắc mắc của các nhà máy phát điện khi không được huy động điện, bởi nguyên tắc huy động điện theo phương thức chào giá, nhà máy nào chào giá thấp hơn sẽ được huy động trước, việc làm này công khai trên trang web của thị trường phát điện.

“Với sự xuất hiện của thị trường phát điện cạnh tranh, hiện nay giá phát điện đã thể hiện được quan hệ cung cầu. Khi phụ tải ở những giờ cao điểm, giá điện của thị trường cũng cao, nhiều giờ trong những tháng mùa khô giá lên kịch trần, trong giờ thấp điểm giá lại thấp hơn. Chính vì thế đã gián tiếp khuyến khích nhà máy điện tăng khả năng sẵn sàng phát điện và có những chiến lược chào giá phù hợp, đảm bảo doanh thu, tăng nguồn cung cho hệ thống, tăng tính minh bạch của thị trường, đảm bảo hoạt động hợp lý hơn của thị trường cung cấp điện”, ông Phúc cho biết.

Tăng cường quản lý an toàn đập thủy điện

Thông tin về công tác quản lý an toàn các công trình thủy điện, ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện như ở Đăk Mek (Kon Tum), Đăk Rông (Quảng Trị) và Krêl ở Gia Lai… qua kiểm tra, thống kê và theo dõi, đa số sự cố xảy ra ở thủy điện nhỏ, do tư nhân làm chủ đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư chưa hiểu đầy đủ, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác quản lý các công trình thủy điện tiêu chuẩn cũng như chất lượng các công trình xây dựng, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư. Các chủ đầu tư thường không đảm bảo được các quy trình, giám sát công trình không theo quy định, nhà thầu thi công không đủ năng lực nên đã để xảy ra các sự cố vừa qua.

Ông Dũng cũng cho hay, đối với các nhà máy thủy điện nhỏ đang vận hành cũng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đảm bảo an toàn vận hành công trình thủy điện.

Trước tình hình như vậy, từ năm 2011 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục kỹ thuật an toàn môi trường công nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nên từ năm 2011 đến nay liên tục, hướng dẫn thực hiện, nhắc nhở bởi chưa có cơ chế xử lý.

“Năm 2013, Bộ Công Thương mới có Chỉ thị yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ đập thủy điện, địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và có các hình thức xử lý đối với các thủy điện không chấp hành quy định về quản lý an toàn đập. Một trong những biện pháp thiết thực đó là đối với các nhà máy thủy điện không chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý an toàn đập thủy điện sẽ không được trưng dụng nguồn điện sản xuất ra”, ông Dũng nói.

Cũng theo đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Nghị định về xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động điện lực, trong đó có an toàn đập thủy điện và hoạt động năng lượng hiệu quả đã quy định chi tiết các hành vi vi phạm để xử lý. Đây cũng là cơ sở pháp lý để yêu cầu các chủ đập thủy điện phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về công tác quản lý an toàn đập thủy điện./.

Theo Vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast