Cúm mùa “hoành hành”, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh

(Baohatinh.vn) - Thời tiết chuyển mùa, bệnh nhân cúm gia tăng, ngành y tế Hà Tĩnh khuyến cáo người dân, nhất là người lớn tuổi cần chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm.

Cúm mùa “hoành hành”, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh

Bác sỹ CDC Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi tiêm vắc-xin cúm.

Hiện nay, thời tiết chuyển lạnh và mưa nhiều là điều kiện để các loại vi khuẩn, virus gia tăng khiến người dân dễ mắc phải nhiều bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là cúm mùa.

Nhập viện trong tình trạng khó thở, ho, sốt, bệnh nhân Phan Thị Anh (67 tuổi, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Tôi có tiền sử bị bệnh tim, huyết áp không ổn định. Trời chuyển lạnh, không may nhiễm cúm khiến tôi rất mệt mỏi nên mới vào viện thăm khám. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng sức khoẻ của tôi ổn định hơn, đỡ ho và cắt được sốt”.

Bác sỹ Đặng Thị Lý - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận hàng chục ca cúm mùa vào thăm khám, điều trị; trong đó, hầu hết là người lớn tuổi và trẻ em. Sau khi thăm khám, đối với những người có triệu chứng nhẹ thì điều trị ngoại trú, những trường hợp biến chứng hô hấp nghiêm trọng chúng tôi sẽ tiến hành nhập viện. Thực tế cho thấy, những người lớn tuổi bị cúm kèm theo bệnh lý nền dễ dẫn đến các biến chứng phức tạp hơn, việc điều trị cũng gặp khó khăn hơn”.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do các chủng virus cúm A, B, C gây ra, xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt mùa đông xuân. Bệnh dễ lây lan từ người sang người và gây ra các triệu chứng sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng, chảy nước mũi. Bệnh cúm mùa khó phòng ngừa và gây ra nguy cơ tử vong, đặc biệt với người lớn tuổi.

Khác với cảm thông thường, virus cúm mùa có tính chất dễ biến đổi chủng nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus mới, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

Cúm mùa “hoành hành”, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra tim cho bệnh nhân mắc cúm mùa.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, có khoảng 5-10% người trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm; trong đó, có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng, hằng năm trung bình có trên 800 nghìn người mắc cúm và gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm: người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Tại Hà Tĩnh, mặc dù chưa có số liệu thống kê về biến chứng cúm mùa nhưng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC), mỗi năm toàn tỉnh có hàng chục ngàn ca mắc cúm mùa.

Cúm mùa “hoành hành”, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh

Người dân đến tiêm phòng cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo: “Để hạn chế nhiễm cúm, mọi người cần rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch nhằm giảm thiểu mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, có thể sử dụng khăn giấy hoặc khăn tay để tránh nhiễm bẩn bàn tay, tránh lây lan virus ra môi trường xung quanh; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

Đặc biệt, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm. Vắc-xin giúp người dân nhất là người lớn tuổi giảm mắc cúm, giảm nguy cơ trở nặng và gặp các biến chứng. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời”.

Bộ Y tế khuyến cáo, vắc-xin phòng cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ từ 70 - 90%. Ở những người lớn tuổi, vắc-xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và giảm 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Vì vậy, nhóm người lớn tuổi, có bệnh nền cần chủ động tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt và nên tiêm nhắc lại hằng năm để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast