Cùng người dân Lộc Hà vượt khó

(Baohatinh.vn) - Sự cố môi trường biển vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 9.000 lao động trên địa bàn các xã vùng biển huyện Lộc Hà. Để giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân dựa trên lợi thế của chính mỗi địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Nhàn cho biết: “Quyết tâm mở rộng diện tích vụ mùa là một trong những giải pháp hàng đầu UBND huyện hướng tới để góp phần tăng sản lượng lương thực cho người dân. Cùng với sự chỉ đạo, huyện còn trích ngân sách hỗ trợ tiền lấy nước và động viên các xã hỗ trợ một phần về giống, công cày bừa...”.

cung nguoi dan loc ha vuot kho

Lộc Hà đang có chủ trương khuyến khích người dân cải tạo hồ đập, đa dạng hóa các loại giống, phát huy hiệu quả, đồng thời, tăng thêm diện tích

Trên tinh thần chỉ đạo của huyện, thời gian qua, phong trào mở rộng diện tích vụ mùa đã được nhiều xã trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Anh Nguyễn Công Trình - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Xã chúng tôi có 500 hộ với gần 2.000 nhân khẩu sống phụ thuộc vào nghề biển. Để giúp bà con giải quyết khó khăn phần nào trong cuộc sống, trên tinh thần chỉ đạo của huyện, năm nay, chúng tôi mở rộng diện tích lúa mùa lên 120 ha, tăng 30 ha so với trước. Cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích, xã còn trích ngân sách hỗ trợ 50% giống cho bà con. Ngoài ra, chúng tôi còn mở lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch, mời đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động mở văn phòng đại diện tại địa phương để kịp thời tư vấn cho người dân trong chuyển đổi nghề...”.

Cùng với tinh thần của xã Thịnh Lộc, các xã Bình Lộc, An Lộc, Thạch Châu, Mai Phụ, Thạch Bằng... cũng sớm chủ động kế hoạch và có chính sách để vận động nhân dân mở rộng diện tích. Nhờ thế, vụ mùa năm nay, toàn huyện đã khép kín diện tích 900 ha lúa, tăng gấp đôi so với trước.

Huyện cũng đã chỉ đạo một số xã khảo sát diện tích những nơi hoang hóa có thể nuôi trồng thủy sản để chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Theo đó, thời gian qua, xã Hộ Độ đã chuyển đổi khoảng 30 ha đồng muối bỏ hoang sang nuôi trồng thủy sản. Ích Hậu với việc phát triển khu nuôi trồng thủy sản với quy mô 35 ha dự kiến đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn cung ứng tại chỗ con giống sạch cho người dân trong vùng... Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các địa phương thành lập thêm nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã liên doanh, liên kết để được hưởng lợi từ các nguồn hỗ trợ, tạo động lực cho bà con cùng nhau vượt khó.

Ở các xã Thạch Bằng, Thạch Kim, bên cạnh phong trào chú trọng sản xuất vụ hè thu, vụ mùa, vụ đông, tăng cường tư vấn, hỗ trợ xuất khẩu lao động, huyện đã có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn để tiếp tục vươn khơi bám biển. Ông Nguyễn Văn Lồng (Thạch Kim) cho biết: “Không thể bỏ được nghiệp cha ông nên chúng tôi xác định vẫn coi biển là nhà. Vì thế, cùng với sự hỗ trợ của huyện về lãi suất và một phần vốn, gia đình tôi đã quyết định đóng tàu công suất 800 CV, dự kiến đến tháng 12 âm lịch này sẽ hạ thủy”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Nhàn cho biết thêm: “Đối với những tàu có công suất lớn, huyện hỗ trợ lãi suất và hỗ trợ thêm mỗi tàu 400 triệu đồng. Nhờ thế, năm nay, đã có 2 ngư dân ở Thạch Kim đóng tàu công suất 800 CV và có thêm 6 hộ đăng ký”.

Cùng với nhiều giải pháp linh động và chính sách khuyến khích người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, tìm hướng đi cho xuất khẩu lao động, Lộc Hà cũng đã rà soát số học sinh trong độ tuổi đi học từ bậc tiểu học đến đại học là con em của những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển trình tỉnh, để có phương án hỗ trợ kịp thời, phấn đấu không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học vì điều kiện khó khăn. Ngoài ra, mặt trận Tổ quốc và các khối đoàn thể đã có những cách làm hay, linh động trong việc đào tạo nghề, tư vấn việc làm, tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên vươn lên.

Sự quyết tâm đồng hành vượt khó bằng những việc làm thiết thực của Lộc Hà với người dân vùng biển đã thực sự tạo niềm tin, động lực để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.