Trong thời gian qua, những tin tức về dịch Covid-19 được cập nhật từng ngày, từng giờ trên các báo về số quốc gia có dịch, số người nhiễm, số người tử vong và số người cách ly cho thấy mức độ lây lan rộng và nhanh chóng của virus chết người SARS-CoV-2.
Các nhân viên khử trùng một ga tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc hôm 28/2 nhằm ngăn Covid-19 lây lan. Ảnh: AFP
Sau Trung Quốc, thì Hàn Quốc và Iran trở thành 2 ổ dịch lớn trên thế giới, trong đó Hàn Quốc đã lên tới 5.328 ca nhiễm, 32 người tử vong và Tổng thống Hàn Quốc đã phải ra tuyên bố tuyên chiến với Covid-19, đặt các cơ quan Chính phủ trong tình trạng báo động toàn diện 24/24h. Còn Iran hiện là quốc gia ngoài Trung Quốc có số người chết cao nhất với 77 trong số 835 ca nhiễm cho đến ngày 3/3.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, có thể khẳng định rằng, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đến nay đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Ngay từ khi ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện, hàng loạt các biện pháp quyết liệt đã được triển khai.
Ngày 2/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 156 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, trong đó nêu rõ: Hạn chế tập trung đông người; các tỉnh đã công bố dịch dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tập trung phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc” Ảnh: VGP News
Cùng với đó là tập trung điều trị và chăm sóc y tế chữa khỏi cho tất cả 16/16 ca nhiễm Covid-19, thực hiện cách ly và theo dõi với tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân, khoanh vùng cách ly vùng dịch lớn nhất Việt Nam có trên 10 ngàn dân ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Thực hiện cách ly những người đến từ vùng dịch trong nước và nước ngoài, yêu cầu các hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát; dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc; tiếp tục cho học sinh nghỉ học cho đến ngày 2/3, và chỉ tổ chức cho học sinh THPT, sinh viên đại học sau ngày 2/3, chờ diễn biến dịch mới. Tất cả các quyết định liên tục, nhất quán, nhanh chóng và phù hợp, không hề do dự đã mang lại hiệu quả…
Vào lúc 0h sáng ngày 4/3, lệnh cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chính thức được dỡ bỏ sau 21 ngày phong tỏa theo quy định khi trước đó, xã này phát hiện có 6 ca nhiễm, cao nhất ở Việt Nam. Sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly, toàn xã không phát hiện thêm ca nhiễm mới. Bài học từ Sơn Lôi là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam đối với việc cách ly phòng dịch.
Dỡ chốt phong toả xã Sơn Lôi vào 0h sáng 4/3. Ảnh: Báo Pháp luật
Chính phủ cũng đã tiến hành ráo riết các biện pháp ứng phó với nhiều kịch bản ở các cấp độ, như huy động quân đội tham gia tiếp nhận công dân từ vùng dịch, tổ chức cách ly, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tuyên truyền, vận động nhân dân, thiết lập cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn trên cả nước nhằm đảm bảo công tác giao ban, điều hành chống dịch Covid-19, cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học cho đến thời điểm an toàn.
Có thể nói, những nỗ lực phòng dịch của Việt Nam đã được nhân dân, cộng đồng quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao. Thành công của Việt Nam là sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch. Và đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới sau 20 ngày không phát hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này cũng chưa phát hiện ca nhiễm.
16/16 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã được điều trị thành công và đã xuất viện. Trong ảnh: Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa Nguyễn Vũ Quốc Bình tặng hoa và trao giấy xuất viện cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN
Dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Thái Lan, chỉ 1 học sinh 8 tuổi nhiễm virus mà Bangkok đóng cửa cả trường học 2.500 học sinh. Nguy cơ lây nhiễm chéo luôn tiềm ẩn.
Những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam mang ý nghĩa khởi đầu và là kinh nghiệm để tiếp tục đương đầu với cuộc chiến chống Covid-19 sắp tới. Từng là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công dịch SARS năm 2003, và hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới kiềm chế số bệnh nhân nhiễm mới được 20 ngày, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự điều hành chủ động, sáng suốt và kịp thời của Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19.
Và mỗi một người dân đều phải phát huy tinh thần trách nhiệm, không được chủ quan, lơ là, tuân thủ tuyệt đối quy định cách ly, phòng dịch, thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, vì cuộc chiến Covid-19 vẫn còn tiếp diễn phức tạp.