Phụ nữ Yukpa gần cây cầu quốc tế Francisco de Paula Santander nối Colombia và Venezuela. Ảnh: Guardian. |
Cuối năm ngoái, Betania, 12 tuổi, nghe được cuộc nói chuyện giữa những người hàng xóm rằng có một thành phố cách đây không xa, nơi họ có thể tìm được thực phẩm, theo Guardian.
"Mẹ cháu nói: "Betania, nhanh rời khỏi đây vì chúng ta sắp chết đói rồi. Nhìn các anh chị em của con xem, chẳng ai có gì trong bụng"", cô bé nhớ lại.
Thế là Betania tạm biệt gia đình, rời ngôi làng hẻo lánh ở phía tây Venezuela và đi 300 km tới thành phố biên giới Cúcuta của Colombia. Khi dựng trại ven bờ sông Táchira, cô bé phát hiện hàng trăm thành viên của cộng đồng thổ dân Yukpa đang ở đây. Họ chạy trốn đói khát và bệnh tật ở Venezuela, nơi sự khan hiếm thực phẩm do kinh tế sụp đổ đã lan rộng tới các cộng đồng bản địa hẻo lánh.
Yukpa chiếm số ít trong hàng trăm nghìn người Venezuela vượt biên để thoát khỏi lạm phát, tội phạm gia tăng và một cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng ở quê nhà. Nhưng không giống những người di cư khác, họ đã bị trục xuất hai lần và đều quay lại Colombia, tiếp tục dựng trại ở bờ sông. Cuộc sống của thổ dân Yukpa bế tắc vì không muốn quay lại Venezuela, cũng không được chào đón tới Colombia.
"Anh biết tại sao chúng tôi đến đây không? Vì chúng tôi không thể ở lại nơi không có thực phẩm, tiền bạc, quần áo, không có bất cứ thứ gì", Anteli Romero, 28 tuổi, một nghệ nhân Yukpa cho biết. "Bây giờ họ nói không muốn người Yukpa ở đây. Họ bảo chúng tôi ở đây cũng chẳng được gì".
Khoảng 500 thành viên của nhóm đã dựng trại bên bờ sông, trong đó có hàng chục phụ nữ mang thai. Thành viên trong nhóm ngủ ngoài trời hoặc trong những căn chòi được dựng từ các vật liệu tái chế. Buổi tối, hàng chục đống lửa nhỏ cháy lập lòe trong rừng trong khi họ nấu cơm hoặc làm bánh ngô.
Khu vực người Yukpa đang dựng trại ở thành phố biên giới Cúcuta của Colombia. Đồ họa: Guardian. |
Trong khi phần lớn những người di cư Venezuela khác đã phân tán vào các thành phố khắp Colombia thì việc người Yukpa vẫn tập trung ở biên giới khiến chính quyền địa phương khó chịu. Cộng đồng này đã nhiều lần đụng độ với chính quyền biên giới Colombia và thậm chí đe dọa họ bằng cung tên.
Hồi tháng một, chính quyền hai nước đã hợp tác để dẹp các trại tạm và đưa khoảng 500 người Yukpa trở về Machiques, Venezuela. Nhưng người Yukpa nói ở đó vẫn không có thực phẩm và thuốc men, và thế là họ quay lại.
"Quay về Venezuela, có khi cả ngày chúng tôi cũng chẳng được gì vào bụng. Đó là lý do tại sao mọi người tới đây", Arbelei Landino, một người di cư Yukpa khác nói.
Cách đây hai năm, khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra, Colombia ban đầu cấp chỗ cư trú hợp pháp cho những người Venezuela đang làm việc tại quốc gia này. Vào tháng hai vừa qua, họ đã rút lại những đặc quyền đó và triển khai 3.000 binh sĩ đến biên giới.
Nhưng thực tế đã chứng minh không thể ngăn chặn dòng người di cư qua biên giới. Các nhà hoạt động nói chính phủ phải có phản ứng thích hợp trước khi tình trạng này trở nên không thể kiểm soát.
"Chính phủ không có ý tưởng nào để giải quyết tình trạng này", Father Francesko Bortignon, người quản lý khu nhà cho người di cư ở Cúcuta, nói.
Lãnh thổ tổ tiên của người Yukpa nằm giữa biên giới Colombia và Venezuela, bởi vậy, họ đã nỗ lực đấu tranh để được xem là một bộ tộc sống ở hai quốc gia. Về lý thuyết, hiến pháp Colombia công nhận quyền công dân cho các thành viên của các nhóm như vậy và mở rộng biện pháp bảo vệ đặc biệt để bảo tồn cộng đồng bản xứ, nhưng lãnh đạo Yukpa khẳng định bộ tộc 15.000 thành viên này chưa nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào.
Bộ Nội vụ Colombia cho rằng phải mở cuộc điều tra về người Yukpa để xác định bản sắc dân tộc của họ. Trước lúc đó, họ sẽ bị xem là người Venezuela sống bất hợp pháp ở Cúcuta.
"Những hành động này được thúc đẩy bởi sự phân biệt đối xử với người bản địa", Andres Berona, cố vấn pháp lý cho Tổ chức bản địa quốc gia Colombia (ONIC), nói. Theo ông, đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo và ngoại giao phức tạp, chính quyền địa phương và nhà nước Colombia chỉ đơn giản chọn cách dễ dàng nhất.
Văn phòng thị trưởng Cúcuta không đưa ra bình luận, nhưng từng tuyên bố người Yukpa dính líu đến buôn lậu qua biên giới.
Berona cho rằng, chính phủ nên tạo không gian sống cho người Yukpa và đảm bảo họ được tiếp cận thực phẩm, nước sạch và nhà vệ sinh trong lúc chờ kế hoạch khả thi.
Người Venezuela ở Cúcuta, thành phố Colombia gần biên giới Venezuela. Ảnh: Guardian. |
Deborah Hines, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới ở Colombia nhận định giữa cuộc khủng hoảng nhân đạo này, các nhóm dân tộc bản địa thường bị bỏ quên. Do đó, chương trình tập trung vào cộng đồng bản xứ vì họ có xu hướng trở thành người bị tác động nhiều nhất.
Nhiều người Yukpa cho biết cuộc sống ở bên bờ sông còn tốt hơn là quay về nhà. Ít nhất ở đây, họ có thể mua được một túi gạo với giá vài xu, trong khi ở Venezuela còn chẳng có gạo để mua.
"Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì cái đói nên mới đến đây. Chúng tôi hy vọng sẽ được họ (Colombia) giúp đỡ", Angel Romero, 32 tuổi, nói.