Đường liên xã Kỳ Xuân - Cẩm Lĩnh, vị trí giáp ranh giữa thôn Xuân Phú và Cao Thắng có chiều dài khoảng 150m, đất đá sạt lở ước tính hơn 300m3 đã tràn qua mặt đường, vùi lấp rãnh dọc thoát nước, các khối đá mồ côi chiếm dụng một phần nền đường và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụt trượt tiếp, gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Khu vực núi qua tuyến đường này có đặc điểm rất nhiều đá mồ côi xen lẫn các lớp đất, đá, cát có tính kết dính kém; vì vậy, rất dễ xảy ra sạt lở vào mùa mưa, đặc biệt là mưa lớn kéo dài. Huyện Kỳ Anh xác định, để đảm bảo an toàn lâu dài cho tuyến đường này, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc, cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở bằng cách đầu tư xây dựng tường bê tông chắn đất, với tổng mức đầu tư dự kiến 1,5 tỷ đồng.
Trận lũ lớn vừa qua cũng đã làm khu vực hành lang đường trục thôn Tiến Thượng, xã Kỳ Thượng bị sạt lở và trôi tuột xuống lòng Khe Đá Hàn khoảng gần 20m, với hàng trăm khối đất, ăn sâu vào tận lề đường.
“Đây là khúc cong của khe Đá Hàn. Nếu không được gia cố kịp thời, các trận lũ tới, lượng nước khổng lồ từ thượng nguồn sẽ đổ thẳng, khoét sâu thêm điểm sạt lở này và có nguy cơ cắt đứt tuyến đường, gây ách tắc giao thông; thậm chí ăn sâu vào cả một phần vườn của gia đình tôi" - bà Nguyễn Thị Lành ở thôn Tiến Thượng, xã Kỳ Thượng, nhà ở trên tuyến đường lo lắng.
Cầu Bến Xắt là cây cầu lớn nhất trên địa bàn xã Kỳ Thượng, cách trung tâm xã 1km, nằm trên tuyến đường trục xã, có điểm đầu giao với đường huyện Sơn - Thượng, điểm cuối giao với tỉnh lộ 554.
Sau trận mưa lũ vừa qua, cùng với hệ thống an toàn giao thông như: biển báo, cọc tiêu, cọc thủy chí… bị cuốn trôi hoặc hư hỏng hoàn toàn, thì tứ nón vị trí phải tuyến mố cầu phía Nam bị xói lở hàm ếch vào tận nền đường. Ước tính khối lượng bê tông bị xói lở hơn 20m3.
“Cầu Bến Xắt nằm trên tuyến đường độc đạo kết nối 5 thôn với trụ sở UBND xã, Trường tiểu học, THCS Kỳ Thượng, Trường Mầm non Kỳ Thượng, chợ Kỳ Thượng; do đó, lưu lượng tham gia giao thông lớn. Cầu nằm trên vùng có chế độ dòng chảy phức tạp nên thường xuyên bị xói lở phía hạ lưu. Hằng năm, UBND xã Kỳ Thượng thường phải khắc phục, sửa chữa điểm xói lở này. Tuy nhiên ngân sách địa phương hạn hẹp nên chỉ sửa chữa tạm thời. Vì vậy mong muốn cấp trên sớm có giải pháp gia cố đảm bảo an toàn công trình lâu dài” - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng Lê Văn Lãm chia sẻ.
Cầu Tân Khê nằm trên tuyến trục thôn Tân Khê, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, bắc qua kênh chính sông Rác N0 với kết cấu bê tông cốt thép, chiều dài 12m, rộng 2.5m.
Xây dựng cách đây hàng chục năm, thời gian đã làm mặt cầu, dầm cầu và trụ cầu và các hạng mụ khác bị hư hỏng nghiêm trọng. Chỉ một vài xe máy đi qua là đã rung lắc.
Các trận mưa lũ vừa qua đã làm nhiều đoạn dầm cầu bị nứt toác, nguy cơ gãy đổ rất cao. Hiện nay, địa phương đang khuyến cáo các phương tiện hạn chế qua lại để tránh nguy cơ tai nạn và kiến nghị cấp trên bố trí kinh phí sửa chữa.
Cầu Đông Hà, xã Kỳ Văn, nằm trên đường trục thôn Sa Xá, được xây dựng từ năm 1990. Cầu có chiều dài 5m, chiều rộng 4m, phục vụ việc đi lại và sản xuất của 223 hộ và 887 nhân khẩu thôn Sa Xá và các thôn lân cận; kết nối giao thông với UBND Trạm Y tế xã, Trường Tiểu học, THCS và Trường Mầm non xã Kỳ Văn.
Sau trận mưa lũ vừa qua, cầu bị hư hỏng nặng; phần hạ lưu bị xói lở nặng; 2 mố cầu xây bằng đá hộc bị sụt lún, không thể đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Để đảm bảo an toàn lâu dài, cây cầu cần phải xây lại với tổng mức đầu tư dự kiến 1,5 tỷ đồng.
Ngoài các công trình nêu trên, địa bàn huyện Kỳ Anh hiện còn nhiều công trình cầu đường cũng bị hư hỏng, xuống cấp sau lũ cần phải khắc phục kịp thời...
... đó là: cầu kênh Lâm nghiệp (thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng), cầu Cố Kiềm (thôn Xuân Phú, xã Kỳ Xuân)... (Ảnh chụp tại cầu kênh Lâm Nghiệp).
Đợt mưa lũ vừa qua đã làm hơn 4km đường giao thông bị sạt lở; 6 cầu, 21 cống bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, ước tính thiệt hại về giao thông hơn 34 tỷ đồng.
Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông, huyện đã huy động lực lượng, phương tiện dọn dẹp mặt bằng các tuyến đường sạt lở để đảm bảo thông tuyến giao thông; yêu cầu các địa phương thường xuyên cắt cử người theo dõi các công trình cầu đường bị hư hại nặng, có nguy cơ sụp đổ và tổ chức hướng dẫn, đặt biển báo chỉ dẫn hoặc cấm các phương tiện có tải trọng lớn lưu thông, tránh tai nạn giao thông đáng tiếc.
Là một trong những huyện thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, UBND huyện Kỳ Anh đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư khắc phục, sữa chữa các công trình giao thông đã hư hỏng nghiêm trọng.