Đảm bảo quyền lợi người lao động -  Cần sự vào cuộc quyết liệt!

(Baohatinh.vn) - Nền kinh tế tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc đã giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập. Tuy vậy, hiện nay, phần lớn người lao động đang bị các doanh nghiệp (DN) bỏ qua nhiều quyền lợi chính đáng như: đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN...

Những con số báo động

Nhà máy Gạch tuynel Thuận Hoàng (Phù Việt, Thạch Hà) là đơn vị SXKD gạch có uy tín, sản phẩm được khách hàng đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị đang vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ đóng nộp BHXH cho người lao động (NLĐ).

 dam bao quyen loi nguoi lao dong can su vao cuoc quyet liet

Công ty CP Dược Hà Tĩnh là một trong số ít doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt việc đóng nộp bảo hiểm cho người lao động.

Nhà máy có hơn 70 công nhân làm việc trong môi trường lao động nặng nhọc, vất vả nhưng chỉ mới có 28 người được đóng nộp các loại bảo hiểm. Cũng nằm trên địa bàn Thạch Hà, HTX Trung Toàn chuyên SXKD tăm tre. Với trên 30 lao động thường xuyên, đến nay, đơn vị chỉ đóng nộp bảo hiểm cho 11 lao động.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, hiện nay, cả tỉnh có trên 5.000 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, theo số liệu từ BHXH tỉnh, hiện chỉ có hơn 1.700 DN tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Đây thực sự là những con số báo động về tình trạng vi phạm quyền lợi NLĐ hiện nay. Câu hỏi đặt ra là quyền lợi của hàng chục ngàn lao động đang làm việc trong gần 3.000 DN không được tham gia đóng nộp các loại bảo hiểm sẽ như thế nào? Và số phận của NLĐ sẽ đi về đâu một khi xảy ra ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp...?

Phát biểu tại hội nghị phối hợp công tác năm 2016 giữa Sở LĐ-TB&XH - LĐLĐ tỉnh - BHXH tỉnh, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng: “Việc ký kết hợp đồng lao động là gốc của mọi vấn đề. Nhưng trên thực tế, việc ký kết hợp đồng lao động giữa DN với NLĐ được thực hiện như thế nào; việc thực hiện nội quy hoạt động, từ bảng lương, tiền lương, định mức lao động ra sao, cơ quan nhà nước vẫn chưa nắm hết được”.

Đâu là nguyên nhân?

Việc thiếu cơ chế giám sát thực hiện nội quy hoạt động và những nội dung ký kết hợp đồng giữa DN với NLĐ như ý kiến của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cộng với việc thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại tại chỗ giữa DN và NLĐ chưa đi vào thực chất… chính là những lỗ hổng cơ bản khiến cho quyền lợi của NLĐ đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Được biết, mặc dù thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý việc chấp hành quy định pháp luật về lao động đã được các cơ quan liên quan vào cuộc triển khai, đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH, nhưng số lượng DN bị kiểm tra chưa nhiều và hiệu quả mang lại còn quá khiêm tốn. Năm 2015, số tiền xử phạt hành chính các DN, đơn vị vi phạm chỉ ở mức trên 950 triệu đồng, số lượng DN bị kiểm tra, xử lý cũng chỉ nằm ở mức hàng chục đơn vị.

Bên cạnh nguyên nhân từ các chủ sử dụng lao động và các ngành chức năng thì chính bản thân NLĐ cũng chưa có ý thức đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Chị Nguyễn Thị N. làm việc tại một công ty xây dựng trên địa bàn TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Khi vào làm việc, công ty chỉ trả lương cứng thôi, còn bảo hiểm nếu có nhu cầu phải tự đóng nộp. Mặc dù biết quyền lợi của mình đang bị thiệt thòi, nhưng chúng tôi cũng không thể đòi hỏi công ty được. Vì để tìm được việc làm ổn định ở thời điểm này là hết sức khó khăn”. 

dam bao quyen loi nguoi lao dong can su vao cuoc quyet liet

Tình trạng lao động không có bảo hộ còn diễn ra phổ biến (tại Nhà máy sản xuất kết cấu thép Thương Phú).

Đánh vào tâm lý “khát việc” của NLĐ nên rất nhiều DN đã tuyển dụng lao động mà không ký kết hợp đồng, hoặc ký kết cũng chỉ là hợp đồng thời vụ để tránh phải đóng nộp các loại bảo hiểm. Khi hết hợp đồng thời vụ, DN cho lao động nghỉ việc một thời gian rất ngắn, sau đó, tái ký hợp đồng thời vụ mới. Đây chính là một thủ đoạn phổ biến để “lách” việc đóng nộp chế độ bảo hiểm cho NLĐ và cũng là một cách đối phó với các đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Có thể nói, việc các DN vi phạm nghiêm trọng chế độ cho NLĐ đang gây nhiều bức xúc và sẽ để lại hậu quả nặng nề cho bản thân NLĐ cũng như gia đình. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp và vào cuộc quyết liệt.

“Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các DN, cần phải tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát và đi kèm là xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Để tăng tính hiệu quả, hiệu lực thì ngoài những đoàn kiểm tra do Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp, cần có tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát” - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Đào Quang Hưng phát biểu tại hội nghị phối hợp công tác 2016 giữa 3 ngành LĐ-TB&XH - LĐLĐ tỉnh - BHXH tỉnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông khẳng định, phải có những chế tài đủ sức răn đe đối với các DN vi phạm Luật Lao động, việc làm và các chế độ đối với NLĐ. Trên thực tế, hầu hết khi tổ chức tập huấn, tuyên truyền về luật cho DN thì họ không tham gia, hoặc tham gia nửa chừng. Đến khi vi phạm bị xử phạt lại biện bạch là không nắm được thông tin, nội dung, quy định”.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong việc đòi hỏi quyền lợi cho NLĐ thì việc phát huy vai trò, tiếng nói của tổ chức công đoàn tại các doanh DN và nâng cao nhận thức cho NLĐ là một yếu tố quan trọng.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.