Theo đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra một số cơ sở kinh doanh vật tư y tế trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Tăng cường công tác thông tin - giáo dục, truyền thông cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không được vi phạm, sản xuất, kinh doanh thuốc giả; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh phòng chống thuốc giả; phát hiện và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về các đối tượng, tụ điểm sản xuất, kinh doanh thuốc giả để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thuốc sử dụng biện pháp công nghệ cao, dán tem để chống hàng giả cho sản phẩm.
Sở Y tế xây dựng kế hoạch và thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thị trường thuốc. Thiết lập và công bố các hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng; kịp thời xử lý thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tổ chức hệ thống phân phối thuốc trên địa bàn đáp ứng yêu cầu cung ứng thuốc cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh và phù hợp yêu cầu quản lý trong tình hình hiện nay. Tiếp tục triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ y tế và Nhân dân về nguy cơ, tác hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, các biện pháp phòng tránh việc mua bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; chỉ mua thuốc tại các cơ sở dược hợp pháp; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc giả tới cơ quan y tế và các cơ quan chức năng có liên quan; thông báo các vụ việc vi phạm được phát hiện và các hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Tham mưu UBND tỉnh định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác phòng chống thuốc giả để chỉ đạo và lập kế hoạch cho từng thời kỳ; tổng hợp tình hình thuốc giả trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cục Hải quan tỉnh (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng phương án phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc và thuốc kém chất lượng. Tổ chức phối hợp các ngành, các cấp, lực lượng chức năng ở địa phương triển khai thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ thuốc giả. Tham mưu đảm bảo kinh phí, chế độ, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc thực hiện phương án trên địa bàn.
Tập trung điều tra, khám phá và xử lý các đường dây, cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc giả. Kiểm tra và kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán qua biên giới các loại thuốc giả, thuốc nhập lậu; không cho thuốc giả, thuốc nhập lậu lọt qua biên giới, cửa khẩu, xâm nhập vào hệ thống lưu thông phân phối và sử dụng thuốc trong lãnh thổ Việt Nam. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về thực hiện các quy định về mua bán thuốc phải có hoá đơn chứng từ hợp lệ; thông báo kịp thời cho ngành y tế và các cơ quan chức năng về các trường hợp buôn bán thuốc không có đầy đủ hoá đơn chứng từ hợp lệ, có nghi ngờ về nguồn gốc, chất lượng. Chủ động, bố trí lực lượng tham gia với ngành y tế kiểm tra, kiểm soát thị trường và các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc. Xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường truyền thông giáo dục, vận động nhân dân tuyệt đối không được sản xuất, kinh doanh thuốc giả; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong đấu tranh phòng chống thuốc giả, phát hiện và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng về các đối tượng, tụ điểm sản xuất, kinh doanh thuốc giả để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.