Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với phát triển của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với chiều dài dự kiến khoảng 104km đi qua Hà Tĩnh, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển phương tiện vận tải và dịch vụ logistics trên địa bàn.

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với phát triển của Hà Tĩnh

Hà Tĩnh có 70,28km đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn.

Hà Tĩnh hiện có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua 3 huyện Đức Thọ, Hương Khê, Vũ Quang với tổng chiều dài 70,28km, khổ đường 1m.

Trong 8 ga đường sắt (gồm: Yên Trung, Đức Lạc, Yên Duệ, Hòa Duyệt, Thanh Luyện, Chu Lễ, Hương Phố và Phúc Trạch) chỉ có 2 ga chính là Yên Trung (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ) và ga Hương Phố (thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê), 6 ga còn lại là ga nhường tránh.

Dù là ga chính nhưng ga Yên Trung được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1999 – 2004 với quy mô nhỏ nên hiện nay không đảm bảo so với nhu cầu lưu thông của người dân.

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với phát triển của Hà Tĩnh

Hạ tầng đường sắt ở Hà Tĩnh có độ dốc lớn, quanh co và thường bị ngập lụt, xói lở nền vào mùa mưa lũ.

Theo đánh giá của ngành GTVT, đường sắt qua Hà Tĩnh nói riêng và hệ thống đường sắt Việt Nam nói chung được đầu tư xây dựng hơn 100 năm qua, thích hợp với vận chuyển khối lượng lớn, cự ly dài và trung bình, theo từng giai đoạn đã có đóng góp lớn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.

Theo thống kê, mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, trong đó 2.703 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh. Tuy vậy, hệ thống đường sắt Việt Nam chủ yếu để lại từ thời Pháp thuộc nên hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí là tụt hậu so với hạ tầng đường sắt của các nước trên thế giới.

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với phát triển của Hà Tĩnh

Trường hợp được xây dựng, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam góp phần thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh.

Điều dễ thấy nhất là khổ đường ray chủ yếu khổ 1m, việc kết nối đường sắt với cảng biển, cảng sông, cảng cạn (ICD) rất hạn chế và sự đầu tư để duy trì, phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia qua các thời kỳ còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của ngành.

Từ sự yếu kém về kết cấu hạ tầng của mạng lưới đường sắt dẫn tới năng lực và thị phần vận tải đường sắt cũng hạn chế; nhu cầu và thực tế khai thác vận tải trên các tuyến còn thấp so với năng lực của các tuyến.

Từ những bất cập đó, việc nghiên cứu đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là hết sức cần thiết, cấp bách. Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư, chi phí vận tải cho nền kinh tế, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư phát triển ngành đường sắt trong tương lai.

Sau hoàn thành, công trình không chỉ làm giảm bớt lệ thuộc vào đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, mà còn tăng cường kết nối giao thông, cho phép người dân có thể sống ở những thành phố vệ tinh, giảm áp lực lên các đô thị lớn và từ đó, kích thích tăng trưởng cả nước.

Tuyến đường sắt tốc độ cao cũng được kỳ vọng tăng năng lực tiếp cận cho ngành du lịch, giúp du khách di chuyển đến các tỉnh, thành nằm dọc tuyến đường tiện lợi và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Cuối năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ GTVT đã thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao theo hướng làm một tuyến đường sắt mới khổ đôi 1,435m, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu và khai thác hỗn hợp tàu khách, tàu hàng với tốc độ cấp thiết kế khoảng 250 km/giờ, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/giờ.

Theo đề xuất của liên danh tư vấn thẩm tra, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến có tổng mức đầu tư 61,67 tỷ USD, phân kỳ theo 3 giai đoạn.

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với phát triển của Hà Tĩnh

Dự kiến Hà Tĩnh có khoảng 104km tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua địa bàn với 2 nhà ga.

Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn cho hay: Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh có chiều dài dự kiến khoảng 104km, khổ đường ray 1,435m.

Dự kiến trên địa bàn có 2 nhà ga, trong đó ga Hà Tĩnh ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà và ga Vũng Áng ở xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh, cùng 3 trạm bảo dưỡng tại các xã: Việt Tiến (huyện Thạch Hà), Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh).

Theo ông Lê Anh Sơn, mật độ đường sắt ở Hà Tĩnh là 11,7 km/1.000 km2, cao hơn so với mật độ bình quân của cả nước là 9,5 km/1.000 km2. Hà Tĩnh có thể tận dụng mật độ đường sắt cao này để phát triển hơn nữa phương tiện vận tải cũng như dịch vụ logistics trong nước và quốc tế do cơ cấu chi phí thấp, an toàn và công suất cao.

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với phát triển của Hà Tĩnh

Hà Tĩnh đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua địa bàn.

Để góp phần thực hiện việc phát triển giao thông vận tải đường sắt, Hà Tĩnh tổ chức thực hiện, quản lý tốt quy hoạch mạng lưới đường sắt trên địa bàn tỉnh, triển khai tích hợp quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia trong các quy hoạch của địa phương đảm bảo phù hợp, thống nhất.

Tỉnh phối hợp với các Bộ GTVT và các đơn vị liên quan ngành đường sắt để tiếp tục đề xuất cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh nhằm nâng cao chất lượng, năng lực khai thác.

Tiếp tục tham mưu, phối hợp Bộ GTVT triển khai lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh

Tham mưu quy hoạch xây dựng các tuyến đường giao thông để kết nối cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu kinh tế, khu du lịch... với đường sắt quốc gia qua địa bàn đáp ứng nhu cầu vận tải và khả năng huy động nguồn lực đầu tư của các địa phương.

Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong phạm vi hướng tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được tỉnh thỏa thuận với Bộ GTVT, tạm thời không bố trí thực hiện các công trình, dự án của địa phương (giữ nguyên hiện trạng) trong phạm vi hướng tuyến dự án đi qua...

Theo quy hoạch giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2050, ngoài quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ, kéo dài từ cảng Vũng Áng đến biên giới đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) với chiều dài dự kiến khoảng 119 km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh dài khoảng 55 km) khổ đường ray 1,435m, nối với Thà Khẹc – Viêng Chăn (Lào).

Dự án được xây dựng với mục tiêu đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình phân phối vận chuyển hàng hóa, tạo các điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Dự án cũng sẽ góp phần vào việc thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN, đặc biệt là tăng cường kết nối giữa Lào và Việt Nam.

Hiện nay, Hà Tĩnh cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương phối hợp xúc tiến đầu tư dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.

Chủ đề QUY HOẠCH TỈNH HÀ TĨNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast