7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Các cuộc xung đột vũ trang chưa từng giảm nhiệt trong hơn 70 năm qua tại Myanmar xuất phát từ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ trong nhiều thập kỷ ở quốc gia này.

Năm 2011, khi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực, trao lại chính quyền cho chính phủ bán dân sự của cựu tướng Thein Sein - một người theo đuổi cải cách. Diễn biến này được nhiều nước trên thế giới đón nhận nhiệt liệt. Nhiều người tin đây là điểm nút đánh dấu lịch sử Myanmar bước sang trang mới, tiến tới một nền dân chủ hòa bình.

Bà Aung San Suu Kyi cũng từ đây trở thành biểu tượng quốc tế vì sự kiên cường trong cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Myanmar.

Năm 2015, đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi lên nắm quyền sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử có tranh cử lần đầu tiên sau 25 năm. Chính phủ khi đó không nắm trọn vẹn quyền lực mà chia sẻ cùng với quân đội. Dù vậy, đây vẫn được xem là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của Myanmar.

7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Bà Aung San Suu Kyi bắt tay với người ủng hộ năm 2012. (Ảnh: Reuters)

Nhưng tiến trình dân chủ đó đang chững lại sau cuộc chính biến hôm 1/2.

Khoảng 100 người biểu tình thiệt mạng trong các phong trào phản đối chính quyền dân sự, hàng nghìn người bị bắt giữ. Biểu tượng dân chủ của Myanmar - bà Suu Kyi hiện bị giam giữ và đối mặt với hàng loạt cáo buộc.

Cuộc chính biến hôm 1/2 khiến thế giới phải nhìn nhận lại rằng tương lai yên ổn đang nằm ngoài tầm với của người dân Myanmar và không rõ khi nào đất nước này mới bình yên trở lại.

Nhưng phải không phải chục năm đổ lại đây, Myanmar mới trải qua hàng loạt biến động. Từ nhiều thập kỷ trước, quốc gia Đông Nam Á đã kinh qua nhiều thăng trầm xuất phát phát từ lịch sử của thế kỷ trước cùng những bất ổn bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo...

Mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo

Myanmar là một quốc gia đa dạng với hơn 100 dân tộc đang sinh sống.

Người Bamar, chiếm khoảng ⅔ dân số được xem là “chính cống” bởi thế quốc hiệu “Burma” (từ thế kỷ 18) hay “Myanmar” (từ 1989) đều xuất phát từ tên của nhóm chủng chính là nhóm Bamar.

Được xem như “người bản địa”, người Bamar được hưởng nhiều đặc quyền trong xã hội, nắm giữ phần lớn các vị trí trong chính phủ và quân đội. Mặt khác, nhiều nhóm dân tộc thiểu số nắm giữ ít đặc quyền hơn. Họ có ít đại diện trong chính phủ hay quân đội.

7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Thống kê năm 2021 về các nhóm dân tộc ở Myanmar. (Nguồn: CIA World)

Luật quốc tịch năm 1982 quy định chỉ những thành viên của các nhóm dân tộc sống ở Myanmar trước năm 1823 mới là công dân của nước này. Điều khoản này coi như tước quốc tịch của hàng trăm nghìn cư dân Myanmar và thành viên của một số nhóm thiểu số, đặc biệt là người Rohingya.

Chính quyền Myanmar công khai và chính thức coi người Rohingya là tộc người không có tổ quốc. Myanmar từ chối cấp quốc tịch cho họ. Người Rohingya đối diện với nhiều hạn chế về quyền đi lại, quyền tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác.

Theo Guardian, nhiều người ở Myanmar không coi trọng người Rohingya, coi họ là những người di cư bất hợp pháp. Người Rohingya hứng chịu nhiều sự phân biệt mang tính hệ thống.

Theo hiến pháp năm 2008, chỉ những công dân Myanmar mới được hưởng hầu hết các quyền, chẳng hạn như không bị phân biệt đối xử, được bình đẳng và tự do ngôn luận. Hiến pháp cũng ngăn cản những người không được coi là công dân Myanmar tham gia vào các quá trình chính trị.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, cộng đồng 1,3 triệu người Rohingya không được phép đi bỏ phiếu hoặc tranh cử.

Song song với sự phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số, tâm lý chống Hồi giáo cũng gia tăng theo thời gian ở Myanmar - quốc gia phần lớn theo đạo Phật. Nhiều người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan Phật giáo tấn công người theo đạo Hồi và truyền bá tư tưởng chống người Hồi giáo gay gắt.

Các chia rẽ được tạo ra một cách có chủ đích dưới sự cai trị của thực dân Anh. Từ cuối thế kỷ 19, số lượng dân cư Bangladesh theo đạo Hồi sang định cư tại các địa điểm như Maungdaw, Buthidaung và Rathedaung tăng lên tới 77%.

Nhiều tín đồ Phật giáo cảm thấy thất vọng khi thế đa số của mình tại một số khu vực trở thành thiểu số. Họ tìm cách gây áp lực để đưa ra những quy định phân biệt đối xử giữa các tôn giáo khác nhau.

Thế chiến II làm gia tăng căng thẳng giữa người Hồi giáo và Phật giáo ở Myanmar. Sau khi Nhật Bản chiếm đóng Myanmar vào năm 1942, nhiều làng Hồi giáo bị tấn công, kéo theo đó là các cuộc trả đũa các tín đồ Phật giáo ở Maungdaw và Buthidaung.

7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Người dân bang Rakhine chữa cháy sau một cuộc xung đột sắc tộc. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Myanmar giành được độc lập, căng thẳng còn gia tăng hơn nữa. Năm 1951, một “tổ chức của người theo đạo Hồi ở Arakhan” kêu gọi thành lập một “Nhà nước Hồi giáo tự do, bình đẳng với các bang khác trong Liên hiệp Myanmar”.

7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Kể từ thời điểm này, lực lượng ly khai và các tín đồ Hồi giáo bắt đầu sử dụng cụm từ “Rohingya” để chỉ dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở phía bắc bang Rakhine, Myanmar. Chính quyền Myanmar khi đó cũng như phần đông người dân nước này không thừa nhận sự tồn tại của người Rohingya. Họ coi đây là cộng đồng người Bangladesh lưu vong.

Từ những năm 1960, một số nhóm nổi dậy Rohingya được thành lập. Các nhóm này đôi khi cạnh tranh nhau, duy trì một xung đột với chính quyền tại vùng biên giới ở “với cường độ thấp”. Một số nhóm tuyên bố chiến đấu để bảo vệ quyền của người Hồi giáo, số khác nghiêng về đấu tranh chính trị. Nhưng do các cuộc cạnh tranh nội bộ, các nhóm này không thể tập hợp quá 100 thành viên.

Nhóm chiến binh Hồi giáo Rohingya - Lực lượng Cứu nguy Arakan Rohingya (ARSA) hiện nay được xem là đại diện cuối cùng của các nhóm nổi dậy này.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, chính phủ của Tổng thống Thein Sein bị chỉ trích nặng nề vì không hành động quyết liệt bảo vệ người Hồi giáo. Tới năm 2015, khi chính quyền dân sự điều hành đất nước, nhiều tín đồ Phật giáo chỉ trích bà Suu Kyi không thể đứng lên chống lại mối đe dọa mà các tín đồ Hồi giáo gây ra cho đất nước và giá trị của đạo Phật.

Các vụ đụng độ biến tướng thành bạo động giữa hai cộng đồng này tiếp tục gia tăng, khoét sâu thêm thù hắn giữa hai bên cho tới tận hiện nay. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc của các tín đồ Phật giáo, đặc biệt là những phát biểu mang tính hận thù đang làm ảnh hưởng tới tiến trình dân chủ ở Myanmar.

Xung đột giữa chính quyền và các nhóm vũ trang

Sự phân biệt đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số thúc đẩy các cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa quân đội Myanmar (Tatmadaw) và hơn 20 tổ chức vũ trang dân tộc cũng như hàng chục nhóm dân quân nhỏ hơn. Điều này tạo ra cái mà một số nhà phân tích mô tả là cuộc nội chiến kéo dài nhất lịch sử nhân loại hiện đại.

7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Người Rohingya khổ sở chạy trốn khỏi Myanmar để tránh bạo lực từ nhiều phía. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Myanmar độc lập, một số tổ chức vũ trang dân tộc chiến đấu để giành được nhiều quyền tự chủ hơn. Căng thẳng trở nên trầm trọng hơn khi chính quyền quân sự tiếp quản vào năm 1962 và cắt giảm quyền của người dân tộc thiểu số.

Giao tranh chủ yếu xảy ra ở các khu vực biên giới của Myanmar với nhóm vũ trang tự xưng Quân đội Arakan (AA) ở bang Rakhine, Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen ở bang Kayin; Quân đội Độc lập Kachin ở bang Kachin, Quân đội Bang Shan và Quân đội Bang Wa thống nhất ở bang Shan.

Hàng chục nghìn người thiệt mạng trong các cuộc xung đột. Theo ước tính, gần một triệu người đã rồng rắn di tản sang các nước khác và hàng trăm người phải rời khỏi nơi họ đang sinh sống, chuyển tới các khu vực ở Myanmar để tránh bạo lực. Hầu hết trong số này là người Rohingya.

Sau khi Đảng NLD giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, bà Suu Kyi - người sau đó trở thành Cố vấn Nhà nước cam kết giải quyết những xung đột về sắc tộc và tôn giáo.

Tuy nhiên tới năm 2017, quân đội Myanmar triển khai chiến dịch trấn áp người Rohingya mạnh tay. Theo Guardian , quân đội Myanmar ủng hộ các dân quân Phật giáo mở một chiến dịch “dọn dẹp” nhằm vào phiến quân để đáp trả các đợt tấn công của các phiến quân Hồi giáo nhằm vào lực lượng của chính phủ.

Một quan chức cao cấp của Liên hợp quốc cáo buộc chính phủ Myanmar đang cố loại bỏ cộng đồng Hồi giáo khỏi đất nước, khẳng định phản ứng của quân đội Myanmar “không tỷ lệ” với mức độ của các cuộc tấn công nổi dậy. Nhiều tổ chức nhân quyền lặp lại quan điểm đó. Nhưng chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc này.

7 thập kỷ mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ ở Myanmar

Các nữ chiến binh tại căn cứ của nhóm Quân đội Arakan (AA) ở miền bắc Myanmar. (Ảnh: TNH)

Các cuộc trấn áp mạnh tay của quân đội khiến khoảng hàng chục nghìn người Rohingya ở bang Rakhine phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Những người tị nạn Rohingya đề cập tới các đợt truy quét đẫm máu tại các làng mạc của họ khi các binh sỹ đột kích và đốt nhà cửa.

Nhưng Tatmadaw khẳng định quân đội của họ chỉ nhằm vào lực lượng khủng bố.

Trong những năm qua, chính quyền Myanmar vẫn đang cố gắng đàm phán với các nhóm vũ trang để đi tới một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc. Tuy nhiên cho tới nay, mới chỉ có 10 nhóm vũ trang sắc tộc ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc với chính phủ kể từ khi thỏa thuận này được khởi xướng vào tháng 10/2015.

Tại cuộc họp giữa chính phủ Myanmar và đại diện các nhóm vũ trang sắc tộc tháng 8/2020, bà Suu Kyi nói cần thời gian để cải cách dân chủ và thành lập một liên minh liên bang trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực thúc đẩy hòa giải dân tộc và nền hòa bình.

Tuy nhiên, mục tiêu này của Cố vấn Nhà nước Myanmar trở nên dang dở khi bà bị bắt giữ và không rõ khi nào mới được quân đội trả tự do.

Theo VTC News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast