Nhiều nước châu Âu ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng mức cao kỷ lục

Tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng sau khi các nước châu Âu nới lỏng hạn chế, song trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát khiến giá năng lượng và thực phẩm càng bị đẩy lên cao.

Nhiều nước châu Âu ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng mức cao kỷ lục

Lạm phát đã đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ qua ở Cộng hòa Séc. (Nguồn: expats.cz)

Sau cú sốc kép của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhiều nước châu Âu đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao lên mức kỷ lục.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha ngày 10/5, tỷ lệ lạm phát ở Cộng hòa Séc trong tháng Tư vừa qua tiếp tục tăng lên mức 14,2% từ mức 12,7% trong tháng Ba, chủ yếu là do giá nhà ở, thực phẩm và đồ uống không cồn tăng cao.

Trao đổi với báo giới, Trưởng phòng Thống kê giá tiêu dùng Pavla Sediva thuộc Văn phòng Thống kê Séc (CZSO) cho biết tỷ lệ lạm phát trên là mức cao nhất trong ba thập niên vừa qua.

Tỷ lệ lạm phát tăng cao trong tháng Tư chủ yếu do ảnh hưởng của giá nhà ở, nhiên liệu và thực phẩm tăng mạnh. Theo đó, giá năng lượng nói riêng đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Giá điện tăng 30,1%, giá gas thậm chí tăng 44,2%. Giá nhiên liệu rắn cao hơn 24,1%, nhiệt và nước nóng tăng 17,5%.

Trong lĩnh vực thực phẩm, bột mỳ tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước, lên 52,3%. Giá sữa tăng 31,3% và đường tăng 25%, trong khi giá trứng tăng 14,2%, thịt tăng 11%.

Nhà kinh tế trưởng tại Trinity Bank Lukas Kovanda cho biết giá lương thực tăng phản ánh sự gia tăng của giá năng lượng, nhưng cũng do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine .

Đơn cử giá thịt lợn đã tăng gần 25% trong giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Tư. Giá đường tăng thêm gần 18% và bột mỳ gần 22%.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Ngân hàng Séc (CBA) Jakub Seidler dự đoán lạm phát sẽ tăng tốc trong những tháng tới và nhiều khả năng vượt quá giới hạn 15%.

Về phần mình, nhà phân tích Tomas Wolf của Công ty Tài chính tín dụng Ciftin lại dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ bắt đầu giảm dần và có khả năng sẽ chỉ tăng một con số trong quý cuối năm.

Cùng ngày, Cơ quan thống kê Hy Lạp Elstat công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này đã tăng lên mức 10,2% trong tháng Tư vừa qua, mức tăng cao nhất kể từ năm 1995.

Theo cơ quan này, lạm phát tăng là do giá nhiên liệu và giá nhà đất tăng vọt. Cụ thể, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 122,6% kể từ tháng 4/2021, đi kèm với giá điện tăng 88,8%, chi phí nhà ở tổng thể tăng 35,2% chi phí nhà ở tổng thể và giá thực phẩm và đồ uống tăng 10,9%.

Số liệu của cơ quan này cho thấy giá cả hàng hóa ở Hy Lạp đã tăng đều đặn kể từ đầu năm 2021.

Tương tự, giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt cũng đã khiến tỷ lệ lạm phát tại Đan Mạch trong tháng Tư chạm mức cao nhất trong gần 4 thập niên.

Số liệu được Cơ quan Thống kê Đan Mạch công bố ngày 10/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đan Mạch tăng lên mức 6,7% trong tháng Tư, mức cao nhất kể từ tháng 6/1984. Trong khi đó, giá cả hàng hóa đã tăng 10,3% trong năm qua.

Tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng sau khi các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 vào năm ngoái, song trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát, khiến giá năng lượng và thực phẩm càng bị đẩy lên cao.

Ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Liên minh châu Âu đã bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng điều tiết đà tăng lạm phát. Các quốc gia châu Âu không sử dụng đồng euro như Cộng hòa Séc, Anh, Na Uy cũng đang triển khai động thái tương tự.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast