Vụ tắc nghẽn kênh đào Suez đặt ra thách thức lớn đối với an ninh và kinh tế toàn cầu

Vụ tàu Ever Given mắc kẹt đã gây ách tắc giao thông, khiến hàng tỷ USD hàng hóa và các sản phẩm quan trọng bị tồn đọng trên các con tàu đang chờ đợi để được lưu thông ở hai đầu kênh đào Suez.

Các nỗ lực giải cứu con tàu container khổng lồ bị mắc kẹt tại kênh đào Suez đã được tăng cường vào hôm qua (27/3) khi số lượng tàu thuyền bị dồn đọng ở cả hai đầu của tuyến đường thủy quan trọng này ngày càng nhiều, làm gia tăng lo ngại về sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vụ tắc nghẽn kênh đào Suez đặt ra thách thức lớn đối với an ninh và kinh tế toàn cầu

Tàu thuyền tại cửa ngõ của kênh đào Suez. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực cứu hộ không ngừng nghỉ

Siêu tàu chở hàng Ever Given (do Công ty Evergreen (Đài Loan) vận hành), nặng 224.000 tấn có chiều dài bằng độ cao của tòa nhà Empire State bị mắc kẹt tại kênh đào Suez của Ai Cập ngày 23/3 giữa lúc có gió lớn và bão cát. Hoạt động giải cứu tàu phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả hướng gió và thủy triều nên không loại trừ khả năng sẽ phải đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.

Một nhóm chuyên gia chuyên về cứu hộ tại công ty cứu hộ SMIT Salvage của Hà Lan và công ty Nippon Salvage của Nhật Bản đã được điều đến để giúp Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) giải phóng con tàu này. Nhà chức trách cho biết, họ đã nạo vét được hơn 215.000 m3 cát xung quanh mũi tàu. Khi được hỏi liệu họ có các kế hoạch khác trong trường hợp biện pháp này thất bại hay không, một quan chức nói với CNN rằng: “Đây là lựa chọn duy nhất của chúng tôi lúc này”.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 27/3, người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết, hoạt động cứu hộ đang gặp khó khăn về mặt kỹ thuật và “liên quan đến nhiều yếu tố”. “Chúng tôi đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn và phức tạp, chúng tôi phải làm việc ở khu vực có nhiều đất đá, thủy triều lên rất cao, ngoài ra, kích thước khổng lồ của con tàu và số lượng lớn container mà nó mang theo cũng gây ra nhiều thách thức. Chúng tôi chưa thể đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn tất việc giải cứu vì điều này còn phụ thuộc vào phản ứng của con tàu”.

Theo ông Rabia, lực lượng cứu hộ đã hút ra ngoài khoảng 9.000 tấn nước dằn tàu và huy động 14 tàu kéo để thực hiện sứ mệnh giải cứu tàu Ever Given. Các đội cứu hộ đã tạm thời khởi động lại bánh lái và cánh quạt của tàu vào đêm 26/3 trước khi thủy triều xuống.

Trong trường hợp các nỗ lực không đem lại kết quả, lực lượng chức năng có thể sẽ tính đến giải pháp giảm tải trọng của tàu bằng cách dỡ bớt các container – một quá trình tốn khá nhiều thời gian và công sức mà họ hy vọng sẽ không phải dùng đến. Hiện đang có khoảng 321 tàu chờ quá cảnh qua con kênh này.

Nói về lý do tàu bị mắc kẹt, ông Rabie cho biết: “Có nhiều yếu tố và lý do, gió mạnh và các yếu tố thời tiết không phải là nguyên nhân chính khiến con tàu mắc kẹt đó có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người. Tất cả những yếu tố này sẽ trở nên sáng tỏ sau cuộc điều tra“”.

Vụ tắc nghẽn kênh đào Suez đặt ra thách thức lớn đối với an ninh và kinh tế toàn cầu

Mỹ, Trung Quốc, Hy Lạp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã đề nghị hỗ trợ trong việc giải cứu con tàu. Lực lượng Hải quân Mỹ tại Trung Đông đã lên kế hoạch cử một nhóm chuyên gia đến kênh đào Suez để tư vấn cho chính quyền địa phương, CNN dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết. Vụ ách tắc tại một trong những tuyến đường thủy bận rộn và quan trọng nhất thế giới có thể gia tăng thiệt hại đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19.

Theo các kế hoạch do người đứng đầu công ty cứu hộ của Hà Lan đưa ra, con tàu Ever Given, dài 400m, rộng 59m có thể được giải cứu vào “đầu tuần tới”. Chuyên gia Peter Berdowski thuộc công ty dịch vụ hàng hải Boskalis - công ty mẹ của SMITSalvage, cho biết, quá trình điều tra cho thấy phần đuôi của con tàu không hoàn toàn bị dính vào đất sét” và điều này sẽ cho phép các tàu kéo hạng nặng tận dụng “sức mạnh đòn bẩy” bằng cách kéo phần đuôi tàu.

Chuyên gia này hy vọng, việc sử dụng lực kéo kết hợp với nạo vét bùn cát, khi thủy triều cao từ 40 đến 50 cm sẽ mang đến hy vọng giải phóng con tàu vào đầu tuần tới. Nếu các nỗ lực này không thành công, bước tiếp theo sẽ là loại bỏ tối đa 600 container. Trước đó, các chuyên gia vận tải cảnh báo sẽ phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để giải cứu chiếc tàu Ever Given.

Video: Cận cảnh nỗ lực giải cứu tàu Ever Given bị mắc kẹt trên kênh đào Suez. Nguồn: SCA.

Thiệt hại lớn về thương mại

Vụ tàu Ever Given mắc kẹt đã gây ách tắc giao thông, khiến hàng tỷ USD hàng hóa và các sản phẩm quan trọng bị tồn đọng trên các con tàu đang chờ đợi để được lưu thông ở hai đầu kênh đào Suez. Trang web giám sát hàng hải Marine Traffic cho biết, trong số này có 13 tàu chở gia súc đến nhiều quốc gia khác nhau ở châu Âu và châu Á. Ông Gabriel Paun, thuộc tổ chức phi chính phủ động vật quốc tế cảnh báo, hàng nghìn con vật đang được vận chuyển trên các tàu thuyền, có thể bị chết nếu tình hình không được giải quyết trong một vài ngày tới. Chưa kể, ngày càng có nhiều tàu chở gia súc đang đến gần kênh đào này.

Ông Gabriel Paun cho biết thêm: “Chúng ta đang đứng trước một thảm kịch lớn nếu kênh đào này không được giải phóng trong 24 giờ tới. Rất nhiều con tàu sẽ cạn liệt thức ăn và nước uống cho gia súc trong 2 ngày tới”.

Kênh đào Suez là một cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quan trọng, xử lý khoảng 12% khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu. Mỗi ngày, kênh đào này đón lượng hàng hóa trị giá 10 tỷ USD. Trong năm 2020, có tổng cộng 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa qua kênh đào này. Tính trung bình mỗi ngày có 51,5 tàu qua lại. Theo tính toán của công ty tin tức và dữ liệu vận tải biển Lloyd, vụ tàu mắc kẹt đang khiến số hàng hoá trị giá 400 triệu USD bị ách lại mỗi giờ.

Ít nhất 10 chiếc tàu, trong đó có cả tàu chở dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng (NLG) đã phải chuyển hướng ra khỏi kênh đào này vào ngày 26/3, theo trang web Marine Traffic chuyên theo dõi hoạt động hàng hải. Chính phủ Ấn Độ ngày 26/3 đã khuyến cáo các tàu thuyền của nước này chuyển lộ trình và đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến hành trình kéo dài thêm 15 ngày và tiêu tốn nhiều chi phí, nhiên liệu.

Gia tăng nguy cơ mất an ninh trong khu vực

Nhiều chuyên gia nhận định, việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn có thể làm gia tăng nguy cơ mất an ninh trong khu vực, chẳn hạn như xảy ra các vụ cướp biển, phá hoại mang động cơ chính trị. Rủi ro thậm chí còn cao hơn khi các tàu chở hàng khổng lồ bị mắc kẹt tại 2 trong số các khu vực bất ổn nhất thế giới là phía Đông Địa Trung Hải và vùng Sừng châu Phi.

Bất kỳ sự cố nào cũng có thể tác động đến nền kinh tế toàn cầu vốn rất mong manh. Giá vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đã gia tăng đáng kể trong năm 2020. Một cuộc tấn công, dưới bất cứ hình thức nào sẽ làm gia tăng chi phí bảo hiểm, khiến giá cả nhiều mặt hàng leo thang, từ xăng dầu đến điện thoại thông minh.

Theo Tổ chức hàng hải quốc tế, trong năm 2020 các vụ cướp biển trên toàn thế giới đã tăng từ 162 đến 195 vụ so với năm 2019, song không còn tập chủ chủ yếu ở khu vực phía đông châu Phi mà đã chuyển hướng sang phía tây châu Phi và nhiều khu vực ở châu Á, châu Mỹ Latin. Các cuộc tấn công mang động cơ chính trị vào cả hai đầu của kênh đào Suez cũng là một mối lo ngại lớn.

“Cướp biển không phải là vấn đề ở khu vực đó, khủng bố có lẽ mới là mối đe dọa lớn nhất”, ông Chris Long, giám đốc tình báo của Neptune P2P, một công ty tư vấn an ninh hàng hải cho biết. “ Có rất nhiều con tàu đang neo đậu và chúng có thể trở thành mục tiêu tấn công”, ông Chris Long nói.

Theo VOV

Đọc thêm

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.
Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu trong bối cảnh chính quyền Israel ngày càng ít chấp thuận sơ tán y tế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này này sau khi đóng cửa khẩu Rafah.