Điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình bằng thuốc Favipiravir

Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và chú ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị bệnh nhân COVID-19, là Favipiravir, Remdesivir và Molnupiravir.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình bằng thuốc Favipiravir

Thuốc Favipiravir. Thuốc Favipiravir. (Nguồn: EPA)

Ngày 12/12/2021, Bộ Y tế ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Bộ Y tế nêu rõ nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus như sau: Đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới thì việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Đối với thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì cho phép sử dụng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu (như thuốc remdesivir, favipiravir...).

Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và chú ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19.

Cụ thể, đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình (theo quy định ban hành ngày 6/10, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ). Thời gian điều trị thuốc Favipiravir 200mg giảm xuống còn 5-7 ngày (thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó).

Đối với thuốc Remdesivir, thời gian điều trị cho người bệnh COVID-19 là từ 5-7 ngày (trước đây thời gian điều trị đối với thuốc này là 5 ngày).

Ngoài ra, đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, chỉ định, chống chỉ định và liều dùng áp dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin: Trong thời gian qua, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.

Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị thí điểm có kiểm soát chương trình quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.

Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu.

Bộ Y tế cũng cho biết, việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng.

Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.