Định hướng giải pháp giúp phụ nữ Can Lộc phát triển kinh tế hộ

(Baohatinh.vn) - Hội thảo phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong SX-KD là dịp để Hội LHPN huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) định hướng, bàn bạc các giải pháp giúp hội viên tiếp cận với các mô hình kinh tế hiệu quả.

Chiều 27/6, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội LHPN Can Lộc tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Hà Tĩnh, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh và lãnh đạo huyện Can Lộc cùng tham dự.

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Thời gian qua, Hội LHPN huyện Can Lộc đã triển khai nhiều hoạt động giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trong 5 năm qua (2017 - 2021), các cấp hội đã trao tặng 185 mô hình sinh kế với tổng số tiền trên 425 triệu đồng; giúp 762 hộ nghèo thoát nghèo, trong đó có 445 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch HLPN tỉnh Trương Thị Lượng gợi mở các nội dung hội thảo.

Hội LHPN huyện đã phối hợp xây dựng và nhân rộng 251 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; thành lập 22THT, 4HTX, 42 mô hình dịch vụ gia đình.

Các cấp hội đã hỗ trợ 23 phụ nữ thực hiện khởi nghiệp, hỗ trợ 18 ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” cấp Trung ương, tỉnh; mở 207 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 24.399 lượt hội viên tham, tổ chức 4 lớp tập huấn về kiến thức khởi sự kinh doanh cho 548 cán bộ, hội viên, các hộ sản xuất kinh doanh, chủ các mô hình trên địa bàn toàn huyện; vận động, hướng dẫn 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đạt tiêu chuẩn 3 sao. Quỹ tín dụng của Hội đã giúp 16.363 hội viên được vay với số tiền hơn 600 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đồng Lộc Phạm Thị Xuân đại diện 7 xã, thị trấn vùng Trà Sơn cho biết: Nhiều sản phẩm nông nghiệp giá cả không ổn định, thị trường còn nhỏ lẻ, chưa thể vươn xa ra các thị trường lớn.

Tại hội thảo, đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, nguyên nhân hạn chế trong phát triển của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ; đồng thời đưa ra giải pháp, hỗ trợ để phát triển kinh tế hộ, sản xuất nhiều sản phẩm đưa lại lợi nhuận, xây dựng thương hiệu, uy tín của HTX, THT do phụ nữ làm chủ.

Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, Hội LHPN huyện Can Lộc tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tích cực để các mô hình kinh tế hộ, doanh nghiệp, HTX, THT do phụ nữ làm chủ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Vĩnh Yên Nguyễn Thị Hiếu đại diện cho 6 xã, thị trấn cụm vùng giữa chia sẻ: Thời gian tới HLHPN tỉnh, huyện cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho các hội viên, vận động khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ sở, THT, HTX do nữ làm chủ duy trì và nâng hạng các sản phẩm đã đạt OCOP; nâng cao chất lượng các sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phối hợp phát triển hình thức trải nghiệm từ các mô hình kinh tế trang trại trồng cây ăn quả tại vùng Trà Sơn.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành các cấp để tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ, mọi nguồn lực giúp các hộ phát triển sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm bảo đảm tính bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Trần Mạnh Sơn: Phát triển kinh tế phải hướng đến các mô hình sản xuất hữu cơ, liên kết hóa sản phẩm để tạo nên những sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đối với kinh tế hộ gia đình, cần đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, coi trọng mở rộng quy mô thành viên. Nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc thù địa phương, hướng tới các sản phẩm sạch, hữu cơ, mở rộng liên doanh liên kết trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói