Đã thành thông lệ, hơn 2 tháng nay, xe chở hàng của Công ty CP Dược Hà Tĩnh mỗi khi vào, ra nhà máy sản xuất (tại CCN Bắc Cẩm Xuyên) đều được phun khử khuẩn.
Nhân viên hoặc người ngoài vào công ty đều được kiểm tra thân nhiệt. Đồng thời, mỗi tuần, công ty đều thuê dịch vụ lấy mẫu test nhanh cho khoảng 20% nhân viên.
Phòng dịch nghiêm ngặt ngay từ vòng ngoài nhưng bên trong nhà máy sản xuất thuốc đông dược, Công ty CP Dược Hà Tĩnh vẫn không quên quán triệt nhân viên đeo khẩu trang y tế 24/24h.
Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, doanh thu sụt giảm vì dịch Covid-19, Công ty CP Dược Hà Tĩnh bố trí ít lao động hơn trong các ca làm việc để tránh tập trung đông người
Thay vì 1 ca khoảng 50 người như hồi Quý I năm 2020 thì hiện nay, nhà máy sản xuất thuốc đông dược của Công ty chỉ còn duy trì 1 ca 25 người. Việc chia ca nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất.
Hơn 6 tháng đầu năm, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đạt doanh thu khoảng 180 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng rơi vào những tháng của Quý I, còn từ cuối tháng 4 đến nay, doanh thu sụt giảm khoảng 70% so với những tháng trước đó.
Cũng đang duy trì nhịp điệu sản xuất trong bối cảnh phòng dịch Covid-19, Công ty CP In Hà Tĩnh bố trí lao động làm việc theo ca để tránh tập trung đông người.
Thời điểm này, Công ty CP In Hà Tĩnh đang phải huy động tối đa nhân lực để in ấn các tài liệu phục vụ cho sự kiện 190 năm thành lập tỉnh (1831 - 2021) và 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991 - 2021).
Theo đó, trong tháng 7, công ty sẽ in khoảng 11 triệu trang in, tăng khoảng 70% so với tháng trước. "Tăng trưởng chỉ đạt trong tháng 7 còn những tháng trước đó do ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 nên hoạt động in ấn của công ty sụt giảm. Từ đầu năm đến nay, công ty in hơn 370 triệu trang in và thu về doanh số 6,6 tỷ đồng, chỉ bằng 48% so với kế hoạch đề ra" - Phó Giám đốc Công ty CP In Hà Tĩnh Sử Thị Huyền Nga cho hay. Trong ảnh: Dây chuyền máy in của Công ty CP In Hà Tĩnh hoạt động công suất cao trong tháng 7.
Công ty CP Sao Mai đo thân nhiệt cho người lao động khi đến làm việc.
Tại Khách sạn Eagle, từ khi được mở cửa hoạt động trở lại (ngày 22/6), Công ty CP Du lịch và Thương mại Đại Bàng (TP Hà Tĩnh) luôn thực hiện các biện pháp phòng dịch, trang bị nước rửa tay sát khuẩn ngay khu vực trước cửa thang máy các tầng để đảm bảo an toàn.
Còn tại hệ thống giao hàng của Viettel Post Hà Tĩnh, 200 nhân viên của công ty được trang bị kính chắn giọt bắn, dung dịch rửa tay sát khuẩn cầm tay để đảm bảo an toàn khi đi giao hàng cho khách. Nhờ phòng dịch nghiêm ngặt nên thời gian qua, doanh nghiệp vẫn đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì mức tăng trưởng khá. Trung bình mỗi tháng, Viettel Post Hà Tĩnh giao khoảng 100.000 đơn hàng trên toàn tỉnh, tăng khoảng 10% so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 4/2021.
Có thể thấy, dù trong công xưởng, nhà máy... (Trong ảnh: Sản xuất dây chuyền tại Xí nghiệp chè 20/4 Hương Khê).
... hay trên công trường, doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất trong điều kiện triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. (Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Xây dựng và Thương mại Anh Tú, thị trấn Cẩm Xuyên đeo khẩu trang trong quá trình làm việc).
Thời gian qua, Sở Công thương đã ban hành nhiều công văn quán triệt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như: yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K; đảm bảo khoảng cách trong mỗi ca làm việc, ca ăn; yêu cầu khai báo y tế bắt buộc các trường hợp đi đến từ khu vực có dịch; cập nhật bản đồ an toàn Covid-19 tại địa chỉ antoancovid.vn.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp linh hoạt trong phương án sản xuất, kinh doanh để thích ứng với điều kiện phòng chống dịch Covid-19.