Công nhân Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh tại Cụm công nghiệp Đại Kim, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn thuộc KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo lắp ráp xe máy, xe điện
Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của Hà Tĩnh, đặc biệt là những chính sách ưu đãi theo Quyết định 162/2007/QĐ-TTg, ngày 19/10/2007 và Quyết định 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh đã đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp các loại xe có động cơ, không có động cơ và điện tử, điện dân dụng tại Cụm công nghiệp Đại Kim, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn thuộc KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền lắp ráp xe điện, xe máy và đến cuối năm 2017 bắt đầu vận hành thử nghiệm.
Hệ thống dây chuyền, thiết bị, nhà xưởng được đầu tư hàng chục tỷ đồng
Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất và xuất lô hàng ra thị trường thì công ty không còn được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu theo Quyết định 72/2013/QĐ-TTg, ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ mà chỉ được áp dụng chính sách cho địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Theo đó, đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn thì ngày 15/8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, trong đó, quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.
Ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây. Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư bị động, lúng túng trong kế hoạch SXKD, không muốn đầu tư dài hạn vào KKT.
“Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do không được hưởng chính sách ưu đãi phi thuế quan theo các quyết định 162 và 72 của Chính phủ, nhưng sau hơn 1 năm chính thức đi vào sản xuất, đến nay, công ty đã lắp ráp gần 1.600 chiếc xe máy, xe điện. Trong tháng 11/2019, công ty tiếp tục nhập linh kiện và lắp ráp 4.000 xe máy, xe điện, đảm bảo duy trì hoạt động tại KKT” - ông Nguyễn Thế Hùng - cán bộ quản lý Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh cho biết.
Sản phẩm xe máy, xe điện được lắp ráp tại Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh
Theo ông Hùng, bên cạnh khó khăn do không được hưởng các chính sách ưu đãi, thì khó khăn trở ngại lớn nhất hiện nay đó là hạ tầng giao thông (quốc lộ 8A) đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đặc biệt là tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển của KKT Cầu Treo trong thời gian tới nên công ty vẫn quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất.
Cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai hoạt động sản xuất không để lãng phí máy móc, nhà xưởng, trong hơn 1 năm qua, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng bước đầu công ty đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động địa phương
Với đặc thù công việc đòi hỏi tính cẩn thận, khéo léo nên lao động tại công ty chủ yếu là nữ. Chị Phan Thái Phương - công nhân Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh, chia sẻ: “Hơn 1 năm qua, chúng tôi đã được Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh nhận vào làm việc với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng. Là người dân địa phương, chúng tôi mong muốn công ty phát triển sản xuất ổn định để có việc làm, thu nhập”
Được biết, đến cuối năm 2017, tại KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có 30 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh là một trong số rất ít các doanh nghiệp hiện đang hoạt động ở đây.
Hạ tầng giao thông xuống cấp, chính sách thiếu nhất quán… là những nguyên nhân khiến KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày càng ảm đạm, nhiều dự án “đắp chiếu”.
Hạ tầng giao thông xuống cấp, chính sách thiếu nhất quán… là những nguyên nhân khiến KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày càng ảm đạm, nhiều dự án “đắp chiếu” hoặc tồn tại một cách yếu ớt.
Trong bối cảnh này, việc Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh vẫn quyết tâm bám trụ, từng bước khắc phục khó khăn, vận hành dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương là sự nỗ lực đáng ghi nhận.