“Đổi đời” nhờ rẽ hướng trồng cam trên đất đồi Thượng Lộc

(Baohatinh.vn) - Khởi điểm là công nhân cao su, song, nhờ mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế, kiên trì, chịu khó học hỏi, giờ đây, vợ chồng ông Phan Văn Thanh (SN 1969) - bà Phan Thị Hiền (SN 1970) ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã là chủ HTX cam có thương hiệu, cho doanh thu lớn.

“Đổi đời” nhờ rẽ hướng trồng cam trên đất đồi Thượng Lộc

Trang trại của gia đình ông Thanh, bà Hiền đang trồng 1.000 gốc cam các loại.

Thời điểm này, trên những đồi cam chanh, cam giòn ở Thượng Lộc, hoa đang nở trắng, tỏa hương thơm ngát. Vừa nhanh tay tưới nước cho từng gốc cam để kịp chuẩn bị cho đàn lợn gần 100 con ăn, bà Phan Thị Hiền - chủ trang trại tổng hợp rộng 2,7 ha ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, vừa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm buổi đầu lập nghiệp.

Đó là hơn 30 năm về trước, khi bà Phan Thị Hiền và ông Phan Văn Thanh cùng làm công nhân một công ty cao su tại Hà Tĩnh. Sau thời gian tìm hiểu, năm 1990, hai người chính thức về chung một nhà. Cũng từ năm đó, 2 vợ chồng vừa làm việc tại công ty cao su, vừa “khởi nghiệp” trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế.

Vào giữa năm 1990, Lâm trường Truông Bát triển khai dự án trồng cây ăn quả 327 tại vùng Thượng Lộc. Lúc bấy giờ, đơn vị cung cấp cho người dân địa phương nhiều giống cây ăn quả như: vải, nhãn, hồng vuông, ổi, mít, cam… để sản xuất. Có khát vọng phát triển kinh tế, ông Thanh - bà Hiền đã nhận hơn 200 gốc cây giống gồm: ổi, mít, nhãn, cam từ dự án để trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 3.000m2. Bên cạnh cây ăn quả, gia đình còn trồng thêm các loại cây lâu năm như: keo, bạch đàn.

Sau thời gian trồng thử nghiệm, các loại cây như: ổi, mít, nhãn cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Duy chỉ có cây cam thích nghi tốt với thổ nhưỡng địa phương, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, gia đình ông Thanh quyết định phát triển trang trại để trồng cam.

Đến nay, quá trình trồng cam của gia đình ông đã trải qua 3 kỳ (trung bình mỗi kỳ kéo dài 10 năm). Kỳ đầu tiên từ năm 1990 - 2000, đây là lúc trồng thử nghiệm quy mô nhỏ và phát hiện giống cam cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Kỳ thứ hai từ năm 2000 - 2010, là giai đoạn mở rộng diện tích trồng cam lên 1 ha sau khi vườn cam thử nghiệm thu lãi ổn định. Kỳ thứ ba từ năm 2010 đến nay, được gia đình ông Thanh đầu tư mở rộng thành trang trại chuyên canh trồng cam với tổng diện tích 2,7 ha.

Theo ông Thanh, sau khi thấy vườn cam cho thu nhập tốt, năm 2012, gia đình đã cải tạo lại toàn bộ vườn, phá bỏ hết các loại cây trồng khác để mở rộng diện tích. “Hồi ấy, tôi phải mua cả nghìn xe đất đồi (trung bình mỗi xe vài trăm nghìn đồng) để san phẳng, nâng nền làm trang trại. Giờ nghĩ lại, cảm thấy ngày đó hai vợ chồng thật liều lĩnh” - ông Thanh cười nói.

Năm 2016, gia đình cùng 6 hộ dân trong khu vực thôn Anh Hùng và thôn Nam Phong của xã Thượng Lộc xây dựng nên HTX Cam Thanh Hiền. Với 7 thành viên, HTX hiện có tổng diện tích trên 7,2 ha, chuyên canh trồng cam cho doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

Riêng trên tổng diện tích trang trại rộng gần 3 ha của gia đình, ông Thanh và bà Hiền bố trí hơn 2,2 ha trồng cam, còn lại làm nhà ở, ao nuôi cá, chuồng nuôi gia súc. Hiện trang trại có 650 gốc cam giòn và 350 gốc cam chanh. Tất cả cây trồng tại trại đều được lai ghép từ giống cam ban đầu của dự án trồng cây ăn quả 327 do Lâm trường Truông Bát hỗ trợ.

“Đổi đời” nhờ rẽ hướng trồng cam trên đất đồi Thượng Lộc

Cây cam chanh đầu dòng trong trang trại của ông Thanh, bà Hiền.

“Trồng cam là nghề đòi hỏi sự chăm chút, cẩn thận. Cam là loại cây có múi nên bộ rễ háo khí. Cây rất cần nước nhưng cũng rất sợ nước, do đó, quy trình chăm sóc phải chặt chẽ, tưới vừa đủ. Tại các lối đi, tôi đã cho đào rãnh thoát nước nhằm đẩy lượng nước dư thừa, tránh tình trạng cây bị úng nước, chết rễ. Ngoài ra, cây cam cần ánh sáng mặt trời để quả chín đạt độ ngọt. Hiện nay, trại cam của gia đình đang tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP”, ông Thanh cho hay.

Độ này, cam đang vào mùa ra hoa, gia đình đang tất bật làm cỏ, bón phân, tỉa cành và tưới nước định kỳ. Theo ông Thanh, cam chỉ cho duy nhất 1 vụ/năm, thời điểm thu hoạch rơi vào tháng 10-12 âm lịch. Những ngày đầu năm, về cơ bản người trồng phải tập trung chăm sóc cây cam tránh các loại sâu bệnh, tạo môi trường đất tốt để cam phát triển về chất lượng cũng như số lượng.

Để đạt năng suất cao, phân bón cũng là yếu tố không thể thiếu. Ngoài các loại phân bón vô cơ như đạm, kali..., gia đình ông còn sử dụng phân hữu cơ từ các trang trại nuôi gà trên địa bàn. Hiện trang trại Thanh Hiền đang hướng tới trồng trọt hữu cơ, chủ yếu sử dụng phân chuồng để chăm bón.

“Đổi đời” nhờ rẽ hướng trồng cam trên đất đồi Thượng Lộc

Thời điểm này, cây cam đang vào mùa ra hoa, cần được chăm bón, tưới tiêu tỉ mỉ.

Để đảm bảo công việc, gia đình thuê thêm từ 1-2 nhân công là người dân địa phương để chăm sóc cam, trung bình mỗi người có mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng. Nhờ sự chăm chút, tỉ mỉ, luôn nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, năm 2019, thương hiệu cam Thanh Hiền được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

“Gia đình tôi đang tính toán để chuyển đổi trồng chủ yếu cam giòn. Tuy đây là loại cây khó trồng và chăm sóc nhưng lại được người tiêu dùng ưa thích và giá thành cũng cao hơn so với cam chanh” - ông Thanh cho biết.

Ngoài chuyên canh trồng cam, ông Thanh, bà Hiền còn có trại lợn quy mô nhỏ nằm trong khuôn viên trang trại. Mỗi năm, gia đình nuôi 2 lứa lợn, quy mô mỗi lứa khoảng 100 con. Tuy hình thức nuôi nhỏ lẻ nhưng gia đình rất kỹ càng trong chăn nuôi, luôn chú ý đảm bảo dinh dưỡng và phòng tránh dịch bệnh cho gia súc. Nhờ vậy, các lứa lợn xuất chuồng đều đạt chất lượng tốt. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình có thêm hơn 100 triệu đồng tiền lãi từ chăn nuôi.

“Đổi đời” nhờ rẽ hướng trồng cam trên đất đồi Thượng Lộc

Ngoài chuyên canh trồng cam, gia đình ông Thanh còn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập.

“Mô hình trồng cam tại trang trại Thanh Hiền là một trong những mô hình phát triển kinh tế chủ lực, được chính quyền địa phương quan tâm. Đây cũng là hộ gia đình áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất rất hiệu quả. Chúng tôi đang vận động người dân học hỏi. Bên cạnh đó, địa phương hướng tới việc hỗ trợ cây giống cam giòn cho những hộ khó khăn nhằm giúp họ phát triển kinh tế và nhân rộng diện tích cam giòn trên địa bàn”, ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay.

Làm kinh tế giỏi, gia đình ông Phan Văn Thanh và bà Phan Thị Hiền đã được chính quyền các cấp trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2017, bà Phan Thị Hiền được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Ngoài ra, năm 2019, bà Phan Thị Hiền còn được Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; năm 2022, bà được Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh trao danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2017-2022”...

Năm 2022, trang trại đạt sản lượng hơn 10 tấn cam giòn (giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg), 20 tấn cam chanh (giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg), mang về nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng cho gia đình ông Phan Văn Thanh và bà Phan Thị Hiền. Không những cung cấp sản phẩm cho thị trường Hà Tĩnh và Nghệ An, trang trại của gia đình còn ký hợp đồng cung ứng lâu dài cho Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.