Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

(Baohatinh.vn) - Từ đơn vị yếu kém, trong 5 năm trở lại đây, Trường Tiểu học Hà Tông Mục đã vươn lên thành một trong những đơn vị dẫn đầu bậc giáo dục tiểu học của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Đó là thành quả chung của nhà trường, phụ huynh, học sinh và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

Quang cảnh Trường Tiểu học Hà Tông Mục nhìn từ trên cao

Những ngày này, 763 học sinh Trường Tiểu học Hà Tông Mục (Tùng Lộc) đang ra sức thi đua học tập, rèn luyện để tri ân thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam.

Em Nguyễn Thị Ngọc Lan - học sinh lớp 3A cho biết: “Mỗi ngày, chúng em đều nhắc nhau cố gắng hơn trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh lớp học, thực hiện các hoạt động học tập một cách tích cực, trang phục đến trường gọn gàng, sạch sẽ…. Chúng em muốn dành những kết quả tốt nhất để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”.

Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

Tập thể sư phạm nhà trường luôn hướng đến mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trên vùng đất khó.

Ý thức của mỗi học sinh từ những việc làm nhỏ đã thực sự làm ấm lòng thầy cô. Đó cũng là yếu tố tiếp lửa niềm say mê, yêu nghề, là động lực để tập thể sư phạm nhà trường vượt qua những khó khăn thử thách cùng nhau hướng đến mục tiêu: đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trên vùng đất khó.

Tùng Lộc là vùng quê còn nhiều khó khăn, nguồn lực xã hội hóa giáo dục hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn nhiều thiếu thốn. Bà Nguyễn Thị Hoa - đại diện phụ huynh học sinh lớp 4B chia sẻ: “Do hoàn cảnh khó khăn nên các con phải gửi cháu cho ông bà để đi làm ăn xa. Trong suốt quá trình học tập, nhờ sự tận tâm của các thầy cô, cháu tôi rất chăm ngoan và có ý thức học tập tốt. Tôi rất biết ơn các thầy cô giáo”.

Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

Các em học sinh được rèn luyện tính tự lập, nâng cao ý thức tự học.

Cô Trần Thị Thanh Tịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Tông Mục chia sẻ: “Xác định trách nhiệm lớn lao trong hành trình thực hiện nhiệm vụ dạy chữ, rèn người, Ban giám hiệu đã chú trọng xây dựng khối đoàn kết nội bộ, phát huy tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu đơn vị, đứng đầu các tổ chức đoàn thể. Việc xây dựng kế hoạch củng cố cơ sở vật chất cũng được căn cứ phù hợp với tình hình của địa phương và đời sống người dân trên địa bàn”.

Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

Trang thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ.

Từ sự quan tâm của huyện, của chính quyền địa phương, sự đóng góp của phụ huynh và nguồn kêu gọi từ những người con xa quê, cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được củng cố. Từ 2017- 2018 đến nay, trường đã huy động hơn 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng thêm nhà học 2 tầng, nâng cấp, lát gạch hơn 2.000m2 sân trường, xây dựng sân cỏ nhân tạo. Trang thiết bị dạy học hiện đại như smart tivi, bảng trượt… được phủ kín các lớp học.

Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Hà Tông Mục ngày càng khang trang, hiện đại.

Trường học ngày càng khang trang, hiện đại không chỉ mang đến niềm vui cho các bậc phụ huynh, học sinh mà còn là động lực để các thầy cô giáo không ngừng cố gắng trong sự nghiệp trồng người.

Thầy Võ Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Tông Mục thông tin: “Trường hiện có 40 cán bộ, giáo viên, mặc dù có nhiều người đã bước qua tuổi 50 nhưng tất cả các thầy cô đều chung một niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Mỗi bước lớn mạnh của nhà trường là mỗi “cú hích” để giáo viên ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình. Ngoài cập nhật kiến thức qua các khóa tập huấn, hướng dẫn của Phòng GD&ĐT huyện, của nhà trường, các thầy cô cũng không ngừng tự học và giúp đỡ nhau trong chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ”.

Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

Ban giám hiệu, tổ bộ môn thường xuyên tham dự các tiết học để cùng giáo viên trao đổi, rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nhiều năm nay, các phong trào thi đua của ngành, chương trình giáo dục phổ thông mới được nhà trường triển khai hiệu quả, tạo không khí thi đua trong từng lớp học. Đặc biệt, trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều thôn xóm bị phong tỏa, cách ly, nhiều học sinh mắc kẹt ở các vùng dịch nhưng việc dạy và học vẫn được duy trì thông qua hoạt động dạy học trực tuyến, quay clip bài giảng gửi cho học sinh ở vùng dịch…

Video: Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Tịnh nêu quan điểm về xây dựng trường học hạnh phúc.

Thêm một niềm vui đến với tập thể giáo viên, học sinh trong năm học này là trường được Phòng GD&ĐT huyện lựa chọn là một trong những đơn vị xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là sự tin tưởng của ngành nhưng cũng đề ra trách nhiệm lớn cho tập thể sư phạm trong việc đưa chủ trương của ngành vào thực tiễn.

“Việc xây dựng các tiêu chí trường học hạnh phúc đã được Ban giám hiệu nhà trường thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Riêng với giáo viên, việc xây dựng môi trường hạnh phúc cho học sinh đã được nhen nhóm từ rất lâu và thực hiện qua nhiều việc làm cụ thể. Đó là tạo không khí sôi nổi, thân thiện trong từng giờ học, giờ chơi; động viên, khuyến khích các em phát huy năng lực, phẩm chất. Chúng tôi luôn muốn lấy tình yêu thương, quan tâm của mình để lan tỏa niềm hạnh phúc với các em, để mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui”, cô Nguyễn Thị Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A chia sẻ.

Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

Trường Tiểu học Hà Tông Mục là một trong những đơn vị dẫn đầu của bậc giáo dục tiểu học huyện Can Lộc.

Sự quan tâm của ngành giáo dục, của địa phương và nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người đã góp phần xây dựng, củng cố thương hiệu của nhà trường. Từ đơn vị yếu kém, trong 5 năm trở lại đây, trường đã vươn lên vị trí là một trong những đơn vị dẫn đầu của bậc giáo dục tiểu học của huyện Can Lộc.

Ghi nhận những đóng góp tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên, năm học 2019 - 2020, nhà trường được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Thủ tướng Chính phủ cũng trao tặng bằng khen cho đơn vị vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác GD&ĐT giai đoạn từ 2017 - 2018 đến 2021 - 2022.

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.