Đông ấm...

(Baohatinh.vn) - Đã thành một thói quen, sau tiết sương giáng, lòng người lại chờ đợi những se lạnh, những rét buốt để cùng nắm tay nhau run run đi qua mùa đông. Ấy vậy mà năm nay, những rét buốt chỉ về thưa thớt. Đông đang ấm dần lên trong khí trời và trong những gửi trao đầy nhân ái của con người…

Đông ấm...

Lựa chọn một loài hoa ưa thích mang về trồng là cách mà nhiều người khiến mùa đông thêm phần ấm áp, rạng rỡ

Nỗi nhớ mùa đông

Mỗi mùa đông đến, tôi lại miên man nhớ vườn hoa thược dược của bác tôi. Mảnh vườn rất nhỏ trước hiên nhà là nơi ghi dấu các mùa trong năm bằng rất nhiều loài hoa. Ngoài những cây hoa lâu năm, bác thường vẫn hay gieo trồng các loại hoa ngắn ngày như cúc, lay ơn, thược dược… Tuy nhiên, bác có một tình yêu kỳ lạ với hoa thược dược và luôn dành khoảnh đất rộng nhất để trồng loại hoa này.

Thược dược là một trong những loài hoa truyền thống trong dịp tết của người Việt nhưng người chơi hoa khéo chăm sóc thì có thể có hoa suốt cả mùa đông. Vườn hoa thược dược của bác tôi đủ các loại màu sắc từ vàng, trắng đến hồng son, cam đất, cam tươi. Vào những ngày mùa đông, hoa thược dược bung nở hết mình khiến cho khu vườn mùa đông thêm phần ấm áp.

Đông ấm...

Hoa thược dược được nhiều người yêu thích mua về chưng trong mùa đông

Tôi còn nhớ, những năm trời buốt giá, hoa thược dược không bung nở được, khu vườn của bác như thiếu hẳn sức sống, dù quanh nó, các loài cúc vẫn rực rỡ khoe sắc. Giờ bác tôi đã đi xa, khu vườn ấy cũng đã sang nhượng cho người khác nhưng trong ký ức về mùa đông của tôi luôn có khoảnh sân ấm áp và rực rỡ sắc màu thược dược - loài hoa của sự chung thủy trong tình yêu. Và luôn có bóng dáng nhỏ nhẹ của bác, lúc thì đang sửa soạn củ thược dược để gieo trồng, lúc thì cắt lá, tỉa cành để hãm cho hoa nở đúng tết…

Mùa đông ấm dần lên cũng là lý do để lòng người hoài niệm nhiều hơn về những mùa đông chưa xa. Trong ký ức của tôi không có những kỷ niệm lung linh về mùa đông rực rỡ khăn áo ấm, không có những ngày mùa đông thong dong ngắm ngàn hoa khoe sắc. Mùa đông của tôi là bập bùng ánh lửa, là nồng đượm than hồng trong rì rầm những chuyện kể của mẹ cha về những ngày gian khó.

Tôi nhớ, những chiều đông đầy sương, anh trai tôi lại vác xà beng lên núi để đào những gốc sim, gốc trện đã chết khô đem về làm chất đốt trong mùa đông. Những gốc cây ấy khi được phơi khô vẫn còn rất nhiều tinh dầu nên khi đốt lên thường có những đốm lửa nổ tí tách rồi bay lên như hoa pháo trong ngọn lửa bập bùng. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua bao nhiêu mùa đông rét mướt trong ấm áp từ những ngọn đồi sau nhà. Đã gửi bao nhiêu niềm mong ước vào những đốm lửa lấp lánh ấy…

Bây giờ mùa đông không còn lạnh nhiều như thế nữa, đời sống cũng chẳng còn khó khăn nhiều như trước nữa nhưng thanh niên làng tôi vẫn giữ thói quen đi đào gốc sim, gốc trện để về đốt lửa trong đêm giao thừa… Và rồi, trong ánh lửa sáng bừng ấm áp ấy, các thế hệ lại truyền cho nhau những câu chuyện kể về thời kỳ mới lập làng, lập xóm, về những cuộc đời gắn bó với ngôi làng nay đã thành người thiên cổ…

Đông ấm tình người

Đông ấm...

Xây nhà cho người dân vùng sâu, vùng xa đón một mùa đông ấm áp cũng là một trong những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Ảnh Khánh Thành

Mùa đông không chỉ đang ấm lên bởi khí trời mà mùa đông cũng đang ngày càng ấm lên trong những thiên lương bền chặt của lòng người. Bắt đầu chớm đông cũng là lúc các nhóm thiện nguyện lên kế hoạch quyên góp và tặng quà. Những mảnh đời neo đơn, già cả, những đôi chân trần trên núi cao, những thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó… đều đã nằm trong kế hoạch trao gửi yêu thương của các nhóm thiện nguyện.

Trong miên man suy nghĩ về mùa đông ấm, tôi thường nhớ nụ cười tươi sáng của một người bạn phương xa. Nhiều năm qua, bạn theo đuổi một mục đích rất lớn của đời mình là đi xin hỗ trợ để xây trường cho trẻ em vùng cao. Tôi đã thấy bạn tôi trèo đèo, lội suối, luồn rừng để khảo sát thực tế, để cùng với nhóm thiện nguyện của mình mang hơi ấm về cho đồng bào. Những ngôi trường tranh tre, nứa lá gió thốc buốt giá trong mùa đông đã được thay bằng những ngôi trường mới khang trang. Có trường học, trẻ em có động lực để đến trường và thầy cô giáo cũng kiên định hơn trong hành trình gieo chữ nhọc nhằn…

Đông ấm...

Mùa đông ấm áp hơn trong những trao gửi, sẻ chia với người già neo đơn

Đông này, nhiều gia đình khó khăn cũng ấm áp, yên vui hơn trong những ngôi nhà kiên cố được cộng đồng xây tặng. Với họ, được sinh hoạt trong ngôi nhà mới, được sưởi ấm bởi tình người, đông dường như cũng bớt đi những giá lạnh cố hữu.

“Mùa đông ấm” đã trở thành sologan cho nhiều chuyến đi của các nhóm từ thiện đến các vùng khó khăn, đến với các đối tượng khó khăn. Chứng kiến những người bạn của mình tất bật sửa soạn cho những chuyến thiện nguyện mùa đông, cùng họ đến các vùng miền trao gửi yêu thương, lòng tôi cũng trở nên thật ấm áp.

Đông ấm...

Chăn ấm, áo len do nhóm thiện nguyện ở huyện Kỳ Anh trao tặng đã mang lại cho các cụ già các xã vùng thượng mùa đông ấm áp. Ảnh: Thái Bình

Hơi ấm có thể đến từ những chiếc khăn len, từ những manh chăn ấm. Hơi ấm cũng có thể đến từ những nồi bánh chưng đượm nồng hương vị truyền thống. Hơi ấm cũng đến từ những gửi trao thân tình ấm áp qua những chuyện trò, sẻ chia gần gũi, những tiết mục văn nghệ vui tươi… Và hơi ấm cũng được truyền ngược lại từ niềm vui, hạnh phúc của những cuộc đời khó khăn tới những tấm lòng thiện nguyện, cho họ niềm vui, động lực để tiếp tục hành trình nhân ái.

Trong những lần tham gia các chương trình “mùa đông ấm” ấy, tôi đã nhìn thấy những gương mặt tươi vui, những ánh mắt ngời sáng tin yêu của người già và trẻ nhỏ trong trung tâm bảo trợ, trại trẻ mồ côi, trong những ngôi làng hẻo lánh, xa xôi, đói nghèo và lạc hậu. Tôi cũng đã nhìn thấy những niềm vui của bạn bè mình khi được cho đi và trao gửi hơi ấm của tình người… Mùa đông quả thực rất ấm áp.

Đông ấm, dẫu từ đất trời hay từ lòng người cũng đều mang những nỗi thiết tha. Thiết tha nhung nhớ những mùa đông xưa xa. Thiết tha ngóng đợi để được cho, được nhận, được nhem nhóm cho nhau những niềm tin yêu cuộc sống.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.