Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thời gian qua, NHNN tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh việc chủ động nguồn vốn phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, ngành ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện được tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Dư nợ khách hàng cá nhân, hộ gia đình hiện nay chiếm tỷ trọng lớn nhất tại các ngân hàng ở Hà Tĩnh.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã thiết kế các gói vay phục vụ tiêu dùng cho đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình như: mua đất ở, làm nhà ở, mua xe ô tô, xe máy, mua sắm các thiết bị phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng phục vụ du học nước ngoài, khám chữa bệnh…
Bên cạnh hình thức cho vay thế chấp tài sản, nhiều ngân hàng cũng hỗ trợ khách hàng cá nhân, hộ gia đình bằng cách cho vay tiêu dùng không thế chấp tài sản (tức là vay tín chấp). Với phân khúc này, khách hàng chủ yếu cán bộ, công nhân viên, người dân có thu nhập từ lương, hộ kinh doanh bán lẻ quy mô nhỏ…
Ngoài ra, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã “san sẻ” gánh nặng với khách hàng bằng cách: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho khách hàng, miễn giảm lãi – phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch…
Nhiều cá nhân, hộ gia đình ở Hà Tĩnh vay vốn đầu tư nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao.
Số liệu từ NHNN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, dư nợ khách hàng cá nhân, hộ gia đình hiện nay chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Theo đó, tính đến ngày 15/10/2022, dư nợ toàn địa bàn ước đạt trên 88.357 tỷ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ và tăng trên 23% so với cuối năm 2021 (vượt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022 đề ra).
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình ước đạt trên 59.764 tỷ đồng (tăng trên 16% so với đầu năm 2022) và chiếm tỷ trọng trên 67% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Thực tiễn cho thấy, nguồn vốn tín dụng đã tạo nguồn lực quan trọng để đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.