F0 không khai báo, nguy cơ dịch lan rộng!

(Baohatinh.vn) - Ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, các trường hợp tự xét nghiệm xác định bị nhiễm COVID-19 nhưng tự điều trị, không khai báo với ngành chức năng sẽ gieo thêm mầm bệnh cho cộng đồng, hơn nữa, còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh diễn biến nặng vì không có sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của các bác sỹ.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca F0 trong cộng đồng gia tăng từng ngày. Nhằm chủ động tầm soát dịch bệnh, phát hiện sớm F0, nhiều người dân đã tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại nhà. Song, thực tế hiện nay, một số người dân sau khi tự test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính lại không khai báo với cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân người bệnh và cộng đồng.

F0 không khai báo, nguy cơ dịch lan rộng!

Cán bộ y tế lấy mẫu cho người dân có triệu chứng nghi ngờ đến khai báo.

Đơn cử như trường hợp của ông T.H.L (xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên), khi có triệu chứng đau họng, mệt mỏi, đã tự test nhanh, khi biết kết quả dương tính, thay vì lên trạm y tế xã khai báo y tế để được hướng dẫn các biện pháp điều trị thì ông L. đã tự mua thuốc điều trị theo các triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian, các triệu chứng ngày càng trở nặng, ông L. mới lên trạm y tế để khai báo.

Bác sỹ Hoàng Văn Chung - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Phúc Thăng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng F0 không khai báo xuất phát từ thực tế không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan, không thông báo cho cơ quan y tế. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng hiện nay, việc kiểm soát tình hình của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Nhiều F0 không khai báo mà chúng tôi phát hiện được là nhờ thông tin phản ánh của người dân hoặc người bệnh tự khai báo khi bệnh trở nặng.

F0 không khai báo, nguy cơ dịch lan rộng!

Khi người dân tự test cho kết quả dương tính với COVID-19, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà mà cần thông báo cho cơ quan y tế.

Hiện nay, việc khai báo y tế đã được thực hiện rất linh động. Trong trường hợp bị nhiễm COVID-19, người bệnh có thể gọi điện cung cấp thông tin hoặc cử người nhà đến trạm y tế khai báo. Sau đó, trạm y tế sẽ cử nhân viên đến kiểm tra, đánh giá tình trạng người bệnh, xem xét điều kiện cách ly, điều trị đối với F0. Nếu F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì được cách ly, điều trị tại nhà. Người bệnh có triệu chứng thì được cung cấp các túi thuốc A, B, C và được kiểm tra, theo dõi thường xuyên để kịp thời can thiệp trong những tình huống cấp bách.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng F0 không khai báo vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn và đã gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát, theo dõi, điều trị F0 và truy vết F1, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Chị Võ Thị Thương - Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gần đây nhất, chúng tôi phát hiện 2 trường hợp ở phường Nguyễn Du và Trần Phú. Họ tự test nhanh ở nhà phát hiện mình bị nhiễm bệnh nhưng tự cách ly, điều trị mà không thông báo. Mấy ngày sau, họ xuất hiện triệu chứng sốt, ho nặng thì mới thông báo cho trạm y tế. Đến lúc đó chúng tôi mới có thể tư vấn điều trị và quan trọng nhất là truy vết F1 để hướng dẫn cách ly".

F0 không khai báo, nguy cơ dịch lan rộng!

Một trường hợp F0 khai báo y tế tại Trạm Y tế phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh.

Việc người bệnh chủ quan, không thông báo cho cơ quan y tế, tự mua thuốc điều trị tại nhà khiến bệnh tình có thể diễn biến nặng, đồng thời cũng sẽ gây ra tình trạng quá tải, tạo áp lực cho ngành y tế.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: “Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở Hà Tĩnh tăng nhanh thì việc người dân tự thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà là giải pháp cần thiết để tầm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, khi test nhanh có kết quả dương tính, người dân cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, xem thường dịch bệnh. Khai báo y tế không chỉ giúp F0 được hướng dẫn các bước cách ly, chăm sóc, điều trị phù hợp, tránh được chuyển biến nặng mà còn được can thiệp kịp thời trong tình huống xấu”.

F0 không khai báo, nguy cơ dịch lan rộng!

Người bị nhiễm COVID-19 cần chủ động thông báo cho lực lượng chức năng để được tư vấn, hướng dẫn điều trị phù hợp. Ảnh Trâm Anh.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân, việc không khai báo y tế khi mắc COVID-19 là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và có thể căn cứ nhiều điều luật để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, người nhiễm bệnh COVID-19 cũng sẽ không được hưởng các quyền lợi theo quy định khi cố ý không khai báo y tế.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội, ngăn dịch lây lan rộng ra cộng đồng, mỗi người cần nêu cao ý thức trách nhiệm của mình, thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là trung thực trong khai báo y tế.

Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng nêu rõ, hành vi không khai báo y tế dẫn đến gây hậu quả làm lây lan dịch bệnh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.