Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

(Baohatinh.vn) - Gần 100 ha lúa xuân của TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị ốc bươu vàng tấn công ồ ạt, nhiều người dân chật vật vừa bắt, diệt ốc, vừa phải cấy chèn lúa mới cho kịp lịch thời vụ.

Diệt ốc không xuể

Xã Kỳ Hà có gần 50 ha lúa xuân nhưng hiện nay đã có 1/3 diện tích bị ốc bươu vàng cắn ngang, nhiều hộ nông dân mất trắng cả diện tích vừa gieo cấy.

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Chị Thủy vừa phải bắt ốc vừa phải tiến hành cấy xen dắm lại số lúa để kịp lịch thời vụ

Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Đông Hà) cấy được 5 sào lúa xuân, tuy nhiên lúa vừa mới cấy chưa kịp bén đã bị ốc bươu vàng cắn ngang cây, gây thiệt hại không nhỏ.

“Dù đã phun thuốc diệt ốc nhưng không đem lại hiệu quả nên gia đình đành bắt thủ công để cứu lúa non, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều lắm, bắt không xuể…” - chị Thủy cho biết thêm.

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Các ruộng lúa tại xã Kỳ Hà vừa mới bén bị ốc bươu vàng phá nham nhở.

Gần 3 sào ruộng của ông Phan Công Tài (thôn Đông Hà) cũng bị mất trắng 100% do ốc bươu vàng tàn phá.

Ông Tài cho biết: “Mọi năm, tình trạng ốc bươu vàng cũng xuất hiện nhưng không dày đặc nhiều như năm nay, dù huy động cả gia đình ra bắt cũng không xuể vì chúng sinh sản quá nhanh, số lượng nhiều. Nay gia đình tôi đành kết hợp cả phun thuốc, bắt tay sạch từng thửa rồi cấy xen dắm để kịp lịch thời vụ…”.

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Ốc bươu vàng sinh trưởng rất nhanh khiến 1/3 diện tích lúa xuân vừa mới bén của xã Kỳ Hà bị mất trắng

Tại xã Kỳ Ninh, hơn 15 ha lúa xuân của bà con cũng chung cảnh ngộ bị ốc bươu vàng tấn công.

Ông Phan Công Thoàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Ninh cho biết: “Khác với mọi năm, năm nay, mật độ sinh sôi của ốc bươu vàng cực lớn, mặc dù hội đã có khuyến cáo từ trước tết nhưng việc ốc sinh sôi nhanh khiến bà con trở tay không kịp. Tại các vùng gieo như: Đồng Đạc, vùng Bàu…mật độ của ốc bươu vàng trên đồng ruộng phổ biến 10- 20 con/m2, có nơi lên tới 30 - 50 con/m2”.

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Theo thống kê của Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh, toàn thị xã có 1.200 ha lúa xuân, trong đó gần 100 ha bị ốc bươu vàng phá hỏng hoàn toàn, tập trung ở các địa phương như Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Nam…

Khuyến cáo dùng biện pháp thủ công

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Các cây lúa non bị ốc bươu vàng cắn ngang không thể sinh trưởng

Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh cho biết: “Thời tiết năm nay nắng ấm thuận lợi cho gieo cấy lúa xuân nhưng cũng tạo điều kiện để một số loại dịch hại phát sinh, phát triển, đặc biệt là nạn ốc bươu vàng.

Do đó, người dân phải tập trung diệt trừ bởi nếu để ốc gây hại, cây lúa non sẽ chậm phát triển, thậm chí phải gieo, cấy lại, ảnh hưởng không chỉ đến vụ xuân mà tác động xấu đến cả tiến độ sản xuất vụ mùa tới, bởi khoảng cách giữa vụ xuân và vụ mùa là rất ngắn”.

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Nhiều hộ nông dân bắt thủ công để cứu lúa non nhưng không xuể vì số lượng ốc quá nhiều.

Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai có tốc độ sinh sản rất nhanh và là đối tượng gây hại nguy hiểm trên đồng ruộng. Chúng có thể sống đến 6 tháng trong điều kiện khô hạn. Khi gặp nước, chỉ cần một đêm là chúng hoạt động trở lại bình thường.

Hiện nay, nhiều bà con tại các địa phương tự ý mua thuốc hóa học về phun diệt ốc bươu vàng, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt ốc sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Việc bắt ốc thủ công mặc dù tốn nhiều thời gian nhưng lại đảm bảo an toàn cho cây lúa và sức khỏe con người nên được cơ quan chức năng khuyến cáo bà con thực hiện

"Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra, người dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nên rút nước ra khỏi ruộng, giữ mực nước thấp 2 - 3 cm nhằm hạn chế ốc di chuyển và phá hại; thả vịt vào ruộng ăn ốc non và trứng ốc.

Thu lượm ốc bươu vàng trưởng thành để làm thức ăn cho cá, vịt; dùng rau muống, xơ mít để dẫn dụ ốc bươu vàng. Bỏ rau muống, đặc biệt là miếng xơ mít xuống ruộng, mùi thơm của xơ mít sẽ dẫn dụ ốc từ nơi khác bò tới để được ăn chất ngọt nên dễ diệt chúng…", bà Nguyễn Thị Hường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh khuyến cáo.

Gần 100 ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, nông dân TX Kỳ Anh chật vật dắm lúa mới

Hội Nông dân xã Kỳ Hà tiến hành thu mua ốc bươu vàng cho bà con

“Hiện, thị xã cũng đề nghị, khuyến cáo các xã, phường ngoài việc thực hiện các hướng dẫn về xử lý ốc bươu vàng, các đơn vị cũng cần chủ động học tập mô hình của Hội Nông dân xã Kỳ Hà, bằng cách kết nối với doanh nghiệp tiến hành thu mua ốc bươu vàng để làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, việc bắt ốc thủ công được bà con rất hưởng ứng, giảm bớt việc phun thuốc diệt trừ…”, bà Hường cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.