Chiều mồng 3 tết, anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Yên Hồ (Đức Thọ) đã ra đồng bón thúc cho lúa.
Sáng mùng 2, mùng 3 tết, trên nhiều cánh đồng thuộc các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, TX Hồng Lĩnh…, bà con nông dân đã ra đồng chăm sóc lúa xuân. Ai cũng tươi vui, phấn khởi.
“Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên cũng hạn chế đi chúc tết. Tranh thủ thời gian, tôi cùng nhiều người trong thôn đã ra đồng từ mùng 2 tết để bón thúc cho lúa” – anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Yên Hồ (Đức Thọ) vui vẻ cho biết.
Vừa bón thúc cho lúa, anh Hoàng cũng tranh thủ diệt ổ trứng, nhặt, vợt bắt ốc bươu vàng trên ruộng, mương nước
Theo anh Hoàng, vụ xuân năm nay, thời tiết khá thuận lợi, khâu làm đất được cơ giới hóa nên công việc nhà nông cũng khá nhàn. Đến thời điểm này, cây lúa phát triển tốt, chưa phát sinh sâu bệnh gây hại, một số vùng có ốc bươu vàng nhưng cũng đã được người dân dùng các biện pháp thủ công như: diệt ổ trứng, bắt và diệt ốc trên ruộng, mương.
Anh Nguyễn Văn Đàn ở thôn 2 xã, Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) tranh thủ những ngày nghỉ tết ra đồng phun thuốc phòng trừ rệp.
Tại cánh đồng thuộc thôn 2, phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh), anh Nguyễn Văn Đàn cũng đang tranh thủ những ngày nghỉ tết để phụ giúp gia đình ra đồng phun thuốc phòng trừ rệp. Anh Đàn cho biết, hiện tại, trên một số cánh đồng đang xuất hiện rệp, ốc bươu vàng gây hại cho lúa. Tuy nhiên, nhờ phát hiện sớm nên chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, phát triển cây lúa.
Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ xuân 2021, đến ngày 10/2, các địa phương trong tỉnh đã tuân thủ đúng lịch thời vụ, kết thúc vụ cấy đối với giống muộn nhất vào ngày 25/2/2021 trên 100% diện tích (59.050 ha).
Nông dân xã Sơn Trung (Hương Sơn) tỉa mạ, dặm lúa xuân
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, thực hiện sản xuất vụ xuân 2021 trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên đến nay, các loại cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiệt độ tăng giảm thất thường nên rất dễ phát sinh các loại sinh vật gây hại cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa.
Phổ biến nhất là bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa, sâu keo gây hại trên cây ngô, bệnh héo rủ gây hại trên cây lạc. Vì vậy, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, chú ý bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn...
Ốc bươu vàng cắn đứt ngang thân lúa
Đối với cây lúa, các đơn vị chức năng cần chú trọng việc điều tiết mực nước trên đồng ruộng hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh và giữ ấm khi trời rét; hướng dẫn người dân tiến hành bón phân thúc và tỉa dặm sớm cho cây lúa kịp thời, nhất là giai đoạn sau gieo từ 18 - 20 ngày để thúc lúa đẻ nhánh sớm, tập trung.
Nông dân xã Lâm Trung Thuỷ (Đức Thọ) ra đồng chăm soc lúa xuân.
Trên các diện tích lúa gieo gặp rét phát triển chậm và các trà lúa gieo trễ thời vụ, cần tăng cường chăm sóc và sử dụng các loại phân bón qua lá để phun nhằm giúp cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh khỏe, tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Chú trọng phun thuốc trừ bệnh đạo ôn sớm khi bệnh mới phát sinh để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng.
Biện pháp tốt nhất là bà con nông dân áp dụng biện pháp thủ công: diệt ổ trứng, nhặt, vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước và tiêu diệt.
Để hạn chế ốc bươu vàng phát sinh gây hại lúa, biện pháp tốt nhất là bà con nông dân áp dụng biện pháp thủ công: diệt ổ trứng, nhặt, vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước và tiêu diệt. Khi mật độ ốc cao có thể dùng một số loại thuốc đặc hiệu để phun trừ.
Đối với các loại cây hoa màu như lạc, ngô…, ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các đối tượng sâu bệnh hại, chú ý sâu xám, sâu keo hại ngô, bệnh héo rũ trên cây lạc.
Ra đồng ngày đầu năm mới, tâm trạng ai cũng tươi vui, phấn khởi kỳ vọng vào một mùa vụ bội thu.
Với điều kiện thời tiết khá thuận lợi, thời vụ được bố trí hợp lí, người nông dân chăm chỉ bám sát đồng ruộng, tin tưởng mục tiêu tổng sản lượng lương thực có hạt trên đồng ruộng Hà Tĩnh đạt trên 35 vạn tấn trong vụ xuân 2021 sẽ thành hiện thực.