Sản xuất bám sát lịch thời vụ
Đến ngày 28/1, Cẩm Xuyên đã hoàn thành 100% diện tích gieo cấy, là địa phương đầu tiên hoàn thành gieo cấy, đảm bảo đúng lịch thời vụ.
Vụ xuân 2021, Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích gieo cấy lớn nhất tỉnh với 9.530 ha. Đến ngày 28/1, Cẩm Xuyên đã gieo cấy 100% diện tích, là địa phương đầu tiên hoàn thành gieo cấy, đảm bảo đúng lịch thời vụ.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho biết, bước vào sản xuất vụ xuân 2021, do ảnh hưởng lũ lụt nên hệ thống kênh mương thủy lợi, đồng ruộng bị sạt lở, bồi lấp khá nhiều. Huyện đã chỉ đạo các địa phương ra quân khôi phục sản xuất, nạo vét kênh mương, đảm bảo dẫn đủ nước về ruộng để làm đất. Cẩm Xuyên cũng tập trung chỉ đạo phá bờ thửa nhỏ thành ô thửa lớn với diện tích 600 ha ở 23 xã/thị trấn. Đây là những điều kiện đảm bảo để tiến hành gieo cấy đạt diện tích theo kế hoạch.
Thực hiện sản xuất vụ xuân 2021, đến ngày 30/1, các địa phương trong tỉnh đã gieo cấy đạt 49.471/59.050 ha (đạt 83,8% kế hoạch). Trong đó, diện tích gieo thẳng 44.796 ha, diện tích cấy 4.675 ha, tập trung nhóm giống X, P6, HT1, nếp… Các địa phương có tỷ lệ gieo cấy đạt cao là Cẩm Xuyên (100%), Kỳ Anh, Hương Sơn (96,2%), TX Hồng Lĩnh (96%), Can Lộc (81%)… Địa phương đang có tỷ lệ gieo cấy thấp là Lộc Hà (31,4%) và Đức Thọ (56%).
Nông dân xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) cấy lúa vụ xuân 2021
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này, sản xuất vụ xuân 2021 đã đi qua “chặng đầu” với khá nhiều thuận lợi. Sản xuất đảm bảo về diện tích, bám sát lịch thời vụ, sinh vật gây hại trên cây trồng chưa xuất hiện.
Theo ông Hà, về cơ bản, diễn biến thời tiết vụ xuân 2021 khá thuận lợi đối với các loại cây trồng. Mặc dù có 2 đợt rét nhưng không kéo dài và không có mưa. Với kinh nghiệm chống rét cho mạ, nông dân Hà Tĩnh đã che phủ nilon cho gần 100% diện tích bắc mạ. Vì vậy, hầu như không có diện tích mạ bị chết, hư hỏng, đảm bảo cho cấy đủ diện tích và đúng lịch thời vụ.
Vụ xuân 2021, nhiều địa phương đã chủ động công tác làm đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn
Vụ xuân 2021, 2 đơn vị thủy lợi chủ lực của tỉnh là: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đã thực hiện tốt việc cung cấp nguồn nước tưới cho các địa phương trong toàn tỉnh.
Với nguồn nước từ các hồ chứa khá dồi dào cùng sự chủ động trong nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy nên 100% diện tích ruộng được cày bừa kỹ, đảm bảo gieo cấy đúng kỹ thuật. Nhiều địa phương đã chủ động công tác làm đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn như Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên…
Bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh
Người dân cần bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh để phòng trừ kịp thời
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, với điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên đến nay, các loại cây trồng vụ đông và vụ xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, dự báo thời tiết có những biến đổi bất thường, người dân không được chủ quan. Thường xuyên kiểm tra các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, chú ý bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn...
Đặc biệt, bệnh đạo ôn có khả năng phát sinh gây hại trên giống Xi23, NX30, P6 gieo cấy sớm tại Nghi Xuân, Lộc Hà, Hồng Lĩnh, Đức Thọ. Các loại sinh vật như: chuột, rệp… đang có cơ hội phát sinh gây hại trên mạ và lúa gieo thẳng.
Để đảm bảo cây lúa vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, đối với diện tích lúa đã gieo thẳng, thường xuyên kiểm tra, duy trì mực nước trên mặt ruộng hợp lý, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, tiến hành tỉa dặm và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.
Nông dân thị trấn Nghèn (Can Lộc) dùng nilon che phủ xung quanh ruộng vừa chống rét cho lúa, vừa phòng chống chuột gây hại.
Không gieo thẳng, bắc mạ vào thời điểm rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ dưới 15 độ C. Đối với diện tích chưa gieo cấy, bắc mạ, tăng cường kiểm tra, giám sát và linh hoạt trong chỉ đạo thời điểm xuống giống trên cơ sở khung lịch thời vụ và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân bắc mạ, gieo thẳng tự phát vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ mạ và nguồn giống lúa dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết.