Gần thập kỷ xây dựng công trình tri ân Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

(Baohatinh.vn) - Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn) là thành quả lớn, thể hiện nỗ lực cao của các bộ, ngành và Đảng bộ, Nhân dân Hà Tĩnh, trong đó có những người hết lòng tâm huyết như GS.TS. Thiếu tướng Lê Năm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.

dji-0834-1.jpg
Toàn cảnh Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Quang Diệm (Hương Sơn).

Hiện thực hóa ước mơ

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ngày nay gồm 3 công trình: khu mộ, nhà lưu niệm và chùa Tượng Sơn thuộc các xã: Sơn Trung, Quang Diệm và Sơn Giang được Bộ VH-TT nay là Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Tháng 11/2024, Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị di sản to lớn Hải Thượng Lãn Ông để lại cho hậu thế mà còn là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh và cả nước.

Vậy nhưng, ít ai biết rằng, hơn 20 năm về trước, do ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh, khu di tích xuống cấp nghiêm trọng, dần trở thành phế tích. Trước nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng tâm huyết của lãnh đạo Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), sự hỗ trợ các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học…, dự án tu bổ, xây dựng khu di tích đã được triển khai. Bằng nhiều tâm huyết, công trình được thực hiện và hoàn thành trong 9 năm (2004-2013).

z6064304620254-7d8c7711517d90613e4511750e90e481.jpg
Cổng vào Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung (Hương Sơn).

Tôi may mắn khi nhiều lần được gặp gỡ và trò chuyện với GS.TS. Thiếu tướng Lê Năm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Ông là vị “Tổng chỉ huy” thực hiện Dự án "Tu bổ, tôn tạo Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn” hơn 10 năm trước.

Thiếu tướng Lê Năm kể: “Để xây dựng được Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác như hôm nay, không thể không nhắc đến người thầy của tôi là cố GS.TS Lê Thế Trung - nguyên Viện trưởng Học viện Quân y, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Năm 1984, sau nhiều trăn trở, thầy Lê Thế Trung có chuyến vào Hương Sơn khảo sát, tìm hiểu những di tích về cụ Hải Thượng Lãn Ông. Qua sự chỉ dẫn của người dân và dòng họ, ông đã tìm đến mộ cụ trên núi Minh Tự, đồng thời vận động Hội Đông y huyện Hương Sơn và Sở Y tế Hà Tĩnh tổ chức quyên góp tôn tạo bước đầu. Đến năm 1994, khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia… Đó là cơ sở để sau này, chúng tôi cùng các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh tiến hành các bước xây dựng, tôn tạo khu di tích”.

bqbht_br_z6162611226649-44abe02ab069e4d85dbc05fd951547df.jpg
GS-TSKH Lê Thế Trung về thăm mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác năm 1984 (ảnh trái) và ngôi mộ được Hội Đông y Hà Tĩnh quyên góp xây dựng nên bằng vôi gạch đá sau đó (ảnh phải). Ảnh tư liệu do Thiếu tướng Lê Năm cung cấp.
bqbht_br_q2.jpg
Mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hiện nay.

Năm 1991, khi Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác được thành lập, Bộ Y tế giao cho đơn vị phải có trách nhiệm với Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn. Năm 2000, sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia, Thiếu tướng Lê Năm quyết tâm hoàn thành tâm nguyện của mình và người thầy đáng kính.

“Tôi nhớ mãi lời dặn của thầy Lê Thế Trung: “Anh là Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia mang tên Hải Thượng, lại là người họ Lê, là người Hà Tĩnh thì phải làm thế nào để tôn tạo bằng được khu di tích”. Lúc đó, tôi quyết tâm lắm, nhưng suy nghĩ mãi vì để xây dựng khu di tích cấp quốc gia rất khó do liên quan đến nhiều bộ, ngành. Di tích là do Bộ VH-TT&DL quản lý; để có nguồn vốn xây dựng lại phải thông qua Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT chấp thuận… Biết khó nhưng cuối cùng tôi cũng “liều” cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có anh Hà Văn Thạch lúc đó là Bí thư Huyện ủy Hương Sơn đi gặp lãnh đạo các bộ. May mắn, chúng tôi lần lượt nhận được sự đồng ý. Bộ Y tế ra quyết định và thành lập Hội đồng khoa học, ban quản lý để chuẩn bị triển khai dự án…” - Thiếu tướng Lê Năm chia sẻ.

bqbht_br_a3-8535.jpg
Thiếu tướng Lê Năm kể về những ngày gian khổ xây dựng Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2004-2013).

Ông Hà Văn Thạch - nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (giai đoạn 2000-2004) cho biết: “Lúc đó, việc tu bổ, tôn tạo Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là niềm mong ước lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Tĩnh nói chung và huyện Hương Sơn nói riêng. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố pháp lý và nguồn kinh phí nên để hiện thực hóa tôn tạo khu di tích là bất khả thi. Vì vậy, khi có sự quan tâm vào cuộc của GS.TS Lê Thế Trung và sau đó là GS.TS Lê Năm trong vận động xây dựng thực hiện dự án, chúng tôi rất phấn khởi”.

Tháng 11/2004, Dự án "Tu bổ, tôn tạo Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn, Hà Tĩnh” chính thức động thổ, khởi công xây dựng trong niềm phấn khởi của Nhân dân tỉnh nhà. Dự án có tổng kinh phí 18 tỷ đồng do Bộ Y tế làm chủ quản, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư. Bước đầu, dự án tập trung xây dựng tôn tạo 2 công trình: Mộ, tượng Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung và nhà thờ ông tại xã Quang Diệm. Quá trình xây dựng 2 công trình diễn ra đúng tiến độ. Ngày 22/9/2009, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu ký Quyết định số 3539/QĐ- BYT tiếp tục giao cho Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư Dự án “Tu bổ tôn tạo chùa Tượng Sơn" với số vốn 22 tỷ đồng.

Gần 2.500 ngày đêm miệt mài xây dựng

Quá trình xây dựng Dự án "Tu bổ, tôn tạo Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn, Hà Tĩnh” cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi các công trình xuống cấp nghiêm trọng, lại nằm ở vị trí không mấy thuận lợi. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác - đơn vị chủ đầu tư lại ở cách công trình thi công gần 350 km, thiếu nhân lực và chưa có kinh nghiệm xây dựng một công trình quy mô lớn… Tuy nhiên, bằng quyết tâm và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, Thiếu tướng Lê Năm cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã quyết tâm từng bước triển khai dự án.

bqbht_br_z6162638062235-a1964bf7cfac02cd6673281dd5299a36.jpg
Một góc công trường Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được thi công trong giai đoạn 2008-2009 tại xã Quang Diệm (Hương Sơn). Ảnh: Tư liệu.

Mở đầu là xây dựng công trình khu mộ và tượng đài Đại danh y ở xã Sơn Trung. Công trình được quy hoạch trên diện tích 4.500m2 với các hạng mục như: tôn tạo xây dựng khu mộ, dựng tượng đài cao gần 17m trên đỉnh núi, xây dựng khuôn viên khu mộ với hệ thống nhà tiếp khách, nhà nghinh hương, đường lên khu tượng đài… Địa hình đồi núi hiểm trở, việc xây dựng tốn rất nhiều công sức và thời gian. Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã phối hợp nhà thầu huy động hàng trăm kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân và các thiết bị máy móc hiện đại để mở đường, xẻ núi thực hiện công trình. Tính đến thời điểm hoàn thành tôn tạo khu mộ và tượng đài Lê Hữu Trác (cuối năm 2007), công trình đã huy động lực lượng vận chuyển trên 600.000 tấn đá, sắt thép, cát cùng nước từ sông Ngàn Phố lên đỉnh núi Minh Tự cao 300m so với khu mộ để xây dựng; vận chuyển hàng chục khối gỗ, hàng trăm khối đá cẩm thạch từ các tỉnh khác về thực hiện...

bqbht_br_a5.jpg
Đoàn cán bộ Bộ Y tế, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, tỉnh Hà Tĩnh và Nhân dân Hương Sơn trong ngày khánh thành tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác năm 2013. Ảnh tư liệu do Thiếu tướng Lê Năm cung cấp.

Sau khi hoàn thành khu mộ và tượng đài, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác tiếp tục triển khai Khu lưu niệm Đại danh y tại xã Quang Diệm. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 2/2008 - 12/2009 thì hoàn thành gồm nhiều hạng mục như: nhà tiền đường, núi giả, hồ sen, chòi nghỉ, tứ trụ cổng, sân đường trong khuôn viên, vườn đào, vườn thuốc, vườn cây ăn quả, bình phong bằng gạch, bia dẫn tích, hệ thống điện nước, hệ thống thoát nước….

z6064309996176-1e257428a804b1a480a0b6ab8e36d4be.jpg
p3.jpg
Một số hạng mục tại công trình khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (xã Quang Diệm, Hương Sơn) do Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác xây dựng.

Công trình thứ 3 trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bệnh viện Bỏng quốc gia xây dựng là chùa Tượng Sơn. Công trình được xây dựng vào thời hậu Lê - thế kỷ thứ XVIII, nằm bên bờ sông Ngàn Phố. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến công trình xuống cấp, gần như không còn nguyên vẹn. Chùa Tượng Sơn được khởi công tu bổ, tôn tạo vào tháng 7/2010, nằm trên diện tích 1,5 ha, gồm 22 hạng mục, trong đó gồm: cổng tam quan, nhà thờ tổ, nhà tả vu, hữu vu, bia dẫn tích Hải Thượng, lầu Quan âm và tượng Phật bà Quan âm…

bqbht_br_chua-tuong-son.jpg
Chùa Tượng Sơn sau khi đầu tư xây dựng.

Trải qua 9 năm với 2.500 ngày đêm miệt mài xây dựng, tháng 2/2013, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh. Công trình là kết quả từ những nỗ lực của tập thể Bộ Y tế, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và đóng góp của hàng trăm kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân… trên cả nước. Trong đó, phải kể đến những cá nhân hết mình tâm huyết như: Thiếu tướng Lê Năm và Đại tá Nguyễn Trung Thực (nguyên Phó Giám đốc chính trị Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) đã dành 9 năm liền bám trụ quản lý công trình; Tiến sỹ Võ Viết Lượng (quê Đức Thọ) hiện là Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ thuật Trung ương, người tích cực hỗ trợ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác trong quá trình xây dựng), ông Hà Văn Thạch - nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (từ tháng 4/2000 - 4/2004), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (từ tháng 5/2005- 7/2009)...

bqbht_br_a7.jpg
Đoàn công tác Bộ Y tế, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn chụp ảnh lưu niệm sau khi dâng hương tri ân Đại danh y tại khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (năm 2013). Ảnh tư liệu do Thiếu tướng Lê Năm cung cấp.

Để hiện thực hóa công trình xứng tầm với di sản to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngoài vai trò của Bộ Y tế, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, chúng tôi luôn cảm kích sự đồng hành của các bộ, ngành. Đặc biệt, sự phối hợp tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn, trong đó Nhân dân các xã: Sơn Trung, Sơn Giang, Quang Diệm - không chỉ hiến đất phục vụ việc xây dựng mà còn đóng góp hàng ngàn ngày công để cùng làm nên công trình đầy ý nghĩa này.

Giáo sư - Tiến sỹ - Thiếu tướng Lê Năm

Chủ đề 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Đọc thêm

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.