Gấp rút hoàn thành lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có 114 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên buộc phải hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (thiết bị VMS) trước ngày 1/4/2020. Đến nay, còn 19 tàu cá của ngư dân TX Kỳ Anh và huyện Nghi Xuân vẫn chưa lắp đặt mặc dù đã “trễ hẹn” hơn 1 năm rưỡi.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là nghĩa vụ và quyền lợi của ngư dân (ảnh tư liệu).

TX Kỳ Anh là địa phương chiếm đại đa số tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS của toàn tỉnh với 18 tàu. Trong đó có 3 tàu nằm bờ, không hoạt động sản xuất và đang chờ bán; 15 tàu đang hoạt động sản xuất, thuộc các xã: Kỳ Ninh, Kỳ Hà và Kỳ Lợi.

Để hoàn thành mục tiêu lắp đặt thiết bị VMS trong tháng 10 năm nay, cán bộ chuyên môn của TX Kỳ Anh và các xã đang tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, vận động ngư dân.

TX Kỳ Anh đã hoàn thành lắp đặt 42 tàu cá và còn 18 tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS.

Ngư dân Trần Minh Đài (thôn Bắc Hà, xã Kỳ Hà) có tàu 220 CV chưa tiến hành lắp đặt thiết bị VMS. Nói về nguyên nhân chậm trễ, ông Đài cho hay: “Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, mấy tháng nay tôi phải neo đậu tàu tại biển Đà Nẵng và trở về quê đi biển bằng con thuyền 24 CV. Tôi tính sẽ trở lại Đà Nẵng trong tuần tới để tiến hành lắp đặt thiết bị VMS theo quy định”.

Được biết, ông Trần Minh Đài là 1 trong 15 chủ tàu cá mà TX Kỳ Anh đang tiến hành vận động để gấp rút hoàn thành lắp đặt thiết bị VMS trong đợt này.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX Kỳ Anh và cán bộ xã Kỳ Hà vận động ngư dân Trần Minh Đài lắp thiết bị VMS.

Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh phân tích: “Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thời gian qua một số tàu nằm bờ, chưa đi khai thác hoặc nếu đi khai thác thì nguồn thu cũng không đáng kể. Do vậy mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí lắp đặt thiết bị VMS (khoảng 23 triệu đồng/thiết bị), song, việc ngư dân phải bỏ ra 30% còn lại để hoàn thành lắp đặt (khoảng 10 triệu đồng/thiết bị) và duy trì phí hoạt động (khoảng 550.000 đồng/tháng) là điều không dễ.

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động, đến nay, các ngư dân ở xã Kỳ Ninh và Kỳ Hà đã đồng ý lắp đặt và đang chờ thiết bị, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10/10/2021. TX Kỳ Anh sẽ tiếp tục vận động các ngư dân ở xã Kỳ Lợi tiến hành lắp đặt thiết bị VMS trước ngày 20/10/2021".

Cũng theo ông Chung, hiện nay, các đơn vị cung cấp thiết bị VMS yêu cầu ngư dân trả trước kinh phí. Để đồng hành cùng bà con, TX Kỳ Anh sẽ tạo điều kiện cấp ứng 70% chi phí lắp đặt mà Nhà nước hỗ trợ với những chủ tàu đủ điều kiện và yêu cầu ngư dân ký cam kết thực hiện lắp đặt.

Thiết bị VMS Thuraya SF250 được kết đồng bộ với phần mền hệ thống giám sát tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá (Ảnh: Hữu Trung).

Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Trưởng phòng Kinh tế (UBND TX Kỳ Anh) cho biết thêm: “Riêng với 3 tàu nằm bờ, không hoạt động sản xuất và đang chờ bán, thị xã sẽ chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Kỳ Khang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương và Sở NN&PTNT trực tiếp làm việc các chủ tàu và đề nghị chủ tàu cam kết trước khi hoạt động sản xuất trở lại phải lắp đặt thiết bị VMS”.

Được biết, sau ngày 20/10/2021, đoàn công tác của TX Kỳ Anh sẽ đi kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các tàu cá; đồng thời, chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không lắp đặt thiết bị VMS mà vẫn ra biển sản xuất theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Tại huyện Nghi Xuân, đến thời điểm này đã hoàn thành lắp đặt 16/17 tàu, hiện còn 1 tàu cá của ngư dân Mai Văn Nhàn (xã Xuân Hội) chưa tiến hành lắp đặt. Theo ông Lê Thanh Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân, ngoài việc vận động ngư dân lắp đặt thiết bị VMS theo quy định, chúng tôi cũng sẽ theo dõi sát sao, kiên quyết xử phạt nếu ngư dân này ra khơi.

Lắp đặt thiết bị VMS tạo điều kiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản dễ dàng.

Ông Nguyễn Viết Hùng – Phó phòng phụ trách Phòng Khai thác thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu lắp đặt xong thiết bị VMS trước ngày 30/10/2021, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành quy định. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những tàu cá không thực hiện việc lắp đặt thiết bị VMS mà vẫn ra biển sản xuất. Từ đó, góp phần vào quá trình gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp".

Theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp trước ngày 1/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/1/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/4/2020.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá giúp công tác quản lý nghề cá được thuận lợi; tạo điều kiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản dễ dàng. Ngoài ra, còn góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là một trong những yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5/7/2019, nếu chủ tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và từ 500 - 700 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói