Gaza và thế tiến thoái lưỡng nan

Chuyên gia nhận định việc sơ tán hơn 1 triệu người ở nửa phía bắc Dải Gaza chỉ trong 24 giờ như Israel yêu cầu là chuyện bất khả thi.

Trong ngày chủ nhật (15-10), mốc thời hạn 24 giờ mà Israel đặt ra cho hơn 1 triệu người dân ở nửa phía bắc Dải Gaza (trong đó có TP Gaza) phải rút về phía nam đã trôi qua mà vẫn nhiều người dùng dằng chưa biết nên đi hay ở. Tại TP Gaza, một số gia đình đã dùng ô tô và lừa chất đầy đồ đạc để lên đường di tản.

Israel yêu cầu sơ tán, Hamas bác bỏ

Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Lực lượng phòng vệ Israel rải truyền đơn từ máy bay hôm 13-10 với nội dung yêu cầu người dân ở Gaza di tản về phía nam nếu không muốn bị nguy hiểm.

Có vẻ như Nhà nước Do Thái đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn trên bộ tại Gaza. Trong khi đó Hamas tuyên bố yêu cầu sơ tán của Israel đã bị “người Palestine chúng tôi” bác bỏ.

Xe tăng Israel tiến vào vị trí gần ranh giới giữa nước này và Dải Gaza ngày 13-10 - Ảnh: REUTERS

Báo New York Times thuật lại bầu không khí nơi đây: "Tại Gaza, nơi vốn đã bị cắt các nguồn cung cấp thiết yếu, nhiều người chạy trốn, mang theo những gì có thể dù không biết điều gì đang chờ mình ở phía nam Gaza, hoặc không biết họ sẽ phải rời đi trong bao lâu. Nhưng nhiều người khác vẫn ở lại vì cần thiết, vì sợ hãi hoặc vì mặc kệ (yêu cầu sơ tán).

Hamas, nhóm chiến binh kiểm soát Gaza, đã kêu gọi người dân ở yên tại chỗ và gọi yêu cầu sơ tán của Israel là chiến tranh tâm lý".

Một số người còn do dự. Nếu đi về phía nam Gaza, họ có thể rơi vào cảnh vô gia cư. Nhưng nếu ở lại thì không an toàn, vì đây là khu vực mà Israel xác định là mục tiêu tấn công.

Liên Hiệp Quốc và các nhóm viện trợ quốc tế đã gọi yêu cầu sơ tán của Israel là bất khả thi hoặc trái luật, đồng thời kêu gọi nước này rút lại điều đó. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho rằng việc sơ tán như vậy không thể diễn ra “mà không gây hậu quả nhân đạo tàn khốc”.

Theo báo The National (UAE), những người dân sống ở phần cực bắc của Dải Gaza sẽ phải di chuyển khoảng 15km để đến được phía nam. Những người ở TP Gaza, khu vực đông dân nhất của Dải Gaza, và các vùng lân cận phía nam sẽ phải vượt hành trình từ 5 - 10km.

Ông Chris Doyle, giám đốc Hội đồng hiểu biết Ả Rập - Anh, nhận định việc sơ tán an toàn nhiều dân thường ra khỏi bắc Gaza trong vòng 24 giờ là bất khả thi. Ông giải thích: “Dải Gaza vẫn đang bị ném bom, không có điện, không có đường sá”. Trong khi đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Israel hủy bỏ yêu cầu. Họ nói một cuộc sơ tán hàng loạt sẽ là “thảm họa” đối với bệnh nhân, nhân viên y tế và những thường dân khác.

Mặc dù quân đội Israel không rút lại kế hoạch sơ tán trong 24 giờ, nhưng sau đó tỏ ra “linh hoạt” hơn. “Chúng tôi hiểu rằng sẽ mất thời gian” - chuẩn đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel, nói trước báo giới.

Không có nơi nào để đi

Tính đến 18h ngày 14-10 (giờ Việt Nam), đã có tổng cộng hơn 3.500 người chết (gồm hơn 1.300 người Israel và hơn 2.200 người Palestine) trong xung đột Israel - Hamas. Việc Israel phong tỏa toàn diện Dải Gaza đồng nghĩa với việc không thể đưa nhiên liệu, nước, thực phẩm và thuốc men vào khu vực này, và cũng chặn luôn đường ra của người tị nạn.

Một cậu bé nằm nghỉ tại một điểm trú ẩn ở bệnh viện al-Shifa, thành phố Gaza, nơi người dân phải sơ tán giữa cuộc tấn công của Israel, ngày 12-10 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi tình hình ở Dải Gaza là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. “Chúng ta không thể bỏ qua sự thật rằng đại đa số người Palestine không liên quan gì đến Hamas và các cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas”, ông Biden nói hôm 13-10.

Giới chức Mỹ cho biết họ đang tìm cách để các con tin bị Hamas bắt được trả tự do và tạo ra “vùng an toàn” cho người Palestine ở Dải Gaza, cũng như đưa hàng cứu trợ đến Gaza và sơ tán những người nước ngoài đang mắc kẹt, trong đó có khoảng 500 - 600 người Mỹ.

Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ khi xung đột bùng phát hôm 7-10, hơn 423.000 người trên khắp Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa. Trong đó hơn 270.000 người đã đến các nơi trú ẩn của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng cận Đông của Liên Hiệp Quốc.

Trong vài ngày qua, các nhóm nhân đạo đã kêu gọi tạo ra hành lang an toàn cho 2 triệu dân thường trên toàn Dải Gaza trong lúc Israel tiếp tục không kích trả đũa Hamas. Theo bà Bente Scheller - trưởng bộ phận Trung Đông và Bắc Phi tại Quỹ Heinrich Boll (Đức), người dân ở Dải Gaza “không có nơi nào để đi” vì Ai Cập chưa sẵn sàng mở cửa biên giới cho người tị nạn.

Vì sao Israel mở đợt tấn công trên bộ vào Gaza?

Israel đã tập trung hàng trăm ngàn binh sĩ, quân dự bị và thiết bị quân sự ở khu vực biên giới với Dải Gaza. Báo Politico dẫn lời hai quan chức Israel hôm 13-10 cho biết cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Gaza “sắp diễn ra”.

Ông Yossi Mekelberg, chuyên gia về Israel tại Tổ chức Chatham House (Anh), chỉ ra: “Mục tiêu của Israel trong cuộc tấn công trên bộ là phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas và loại bỏ hoàn toàn năng lực quân sự của Hamas trong việc thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào như chúng ta đã thấy vào hôm 7-10”

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói