Giá điện sinh hoạt sẽ tăng ra sao?

Với giá điện mới, mỗi tháng, hộ dùng 100-300 kWh phải trả thêm 5.100-18.700 đồng và trên 400 kWh là 27.200 đồng.

Theo quyết định Bộ Công Thương ban hành chiều 4/5, giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 4/5 dao động 1.728-3.015 đồng một kWh tuỳ bậc thang. Quyết định này được đưa ra sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3% từ hôm nay.

Với biểu giá mới, hai nhóm bậc thang tiêu thụ thấp nhất (100 kWh trở xuống) có mức tăng thấp hơn bình quân (2%). Các hộ gia đình có mức tiêu thụ trên 100 kWh mỗi tháng chịu giá mới tăng 3%, bằng mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ hôm nay.

Giá điện sinh hoạt sẽ tăng ra sao?

Theo tính toán, các hộ dùng điện sinh hoạt dưới 50 kWh một tháng phải trả thêm 2.500 đồng. Hộ dùng 100-300 kWh một tháng, số tiền điện phải trả thêm 5.100-18.700 đồng và trên 400 kWh là 27.200 đồng một tháng.

Giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường. Theo đó, giá bán điện cao nhất vào khung giờ cao điểm là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm là 1.133 đồng mỗi kWh.

Khối hành chính sự nghiệp có giá điện mới 1.690- 1.940 đồng một kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm, thấp điểm, tương ứng là 4.724 đồng và 1.402 đồng mỗi kWh. Giá này chưa gồm thuế VAT.

Sau thay đổi giá, ước tính hơn 1,82 triệu hộ khách hàng dùng điện sản xuất phải trả thêm 307.000 đồng một tháng. Khách hàng sử dụng điện kinh doanh trả thêm 141.000 đồng một tháng; hành chính sự nghiệp khoảng 40.000 đồng một tháng.

Năm ngoái EVN ghi nhận lỗ hơn 26.200 tỷ đồng do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất tăng vọt. Giá thành sản xuất điện tăng 9,27% so với 2022.

Tại họp báo chiều 4/5, EVN cho biết dự kiến thu thêm hơn 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm nay sau khi giá điện tăng thêm 3%. Số này, theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, giúp tập đoàn bớt khó nhưng “khó khăn về tài chính vẫn còn”.

Ngoài tăng giá, Phó tổng giám đốc EVN nói, tập đoàn này áp dụng nhiều giải pháp khác để giảm lỗ trong năm nay, như giảm chi phí thường xuyên 15% (tăng 5% so với năm ngoái), giảm sửa chữa lớn 40%, hạ tiền lương, chi phí nhân công. Tập đoàn này cũng áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ và đàm phán lại với các nhà cung ứng nhiên liệu (than, khí) để giảm chi phí đầu vào.

Với các giải pháp tổng thể, lãnh đạo EVN hy vọng sẽ bớt khó khăn tài chính năm nay, khi đó việc thanh toán tiền mua điện từ các nhà phát điện sẽ được giải quyết.

Về tác động tăng giá điện tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng thêm 5% làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,17%. Vì thế, với mức tăng giá 3%, ông Nam nói “tác động rất nhỏ tới CPI”.

Giá điện sinh hoạt sẽ tăng ra sao?
Theo Anh Minh/VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast