Giá xăng được dự báo tiếp tục tăng
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này vừa đưa ra đánh giá, trong tháng 8, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố chủ quan là tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Hiện giá dầu cũng như nhiều loại hàng hóa cơ bản khác vẫn đang duy trì ở mức thấp và khó có thể tăng đột biến trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn do Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7%, giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vẫn đang được tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình.
Trung tâm này dự báo, chỉ số CPI tháng 9/2016 sẽ chịu sức ép tăng giá do giá xăng dầu có thể tăng trở lại. Trong khi đó, các địa phương tiếp tục lộ trình tăng giá học phí và dịch vụ y tế. Dịp nghỉ lễ 2/9, Rằm Trung thu và vào mùa tựu trường khiến nhu cầu mua sắm và tiêu dùng sẽ tăng;
Dựa trên những phân tích của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và kết hợp tính toán của phần mềm dự báo, dự báo CPI tháng 9/2016 sẽ tăng khoảng 0,2 % so với tháng trước.
Riêng về giá xăng, một số doanh nghiệp đầu mối cũng cho rằng, đợt điều hành giá xăng dầu dự kiến vào ngày 5/9 tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có khả năng tăng mạnh.
Theo bảng giá nhập khẩu của Singapore cập nhật từ Bộ Công Thương, tính từ ngày 19/8, ngày điều hành giá gần nhất đến hết ngày 31/8, giá bình quân của các mặt hàng xăng A92, dầu hỏa, dầu diesel đều đã tăng mạnh so với 15 ngày trước đó.
Cụ thể, giá RON92 thường xuyên duy trì ở mức 54 - 56 USD/thùng, tăng khoảng 4-5 USD/thùng so với kỳ điều hành trước. Tại ngày 31/8, giá xăng RON 92 thành phẩm là 54,3 USD/thùng, cao hơn khoảng 10 USD/thùng so với 1 tháng trước.
Ngoài ra, báo cáo cũng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước. So với tháng 8 năm ngoái, CPI tháng này tăng 2,57%. Từ đầu năm đến nay, CPI cả nước đã tăng 2,58%.
Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8 là việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) tại 16 địa phương. Điều này khiến chỉ số giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh tới 6,18% (trong đó chỉ số dịch vụ y tế tăng đến 8,12%) góp phần CPI tăng khoảng 0,28%. Cộng với việc 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình khiến nhóm giáo dục tăng 0,47%.
Ở chiều ngược lại, giao thông là nhóm có chỉ số giảm mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính. Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 1,97% chủ yếu do mặt hàng xăng dầu điều chỉnh giảm giá trong hai ngày 20/7 và 4/8. Cùng với giá xăng dầu giảm, từ ngày 1/8, giá gas điều chỉnh giảm 4.500 đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ 3 giá gas giảm với tổng mức giảm gần 20.000 đồng/bình khiến cho chỉ số giá gas giảm 3,13% so với tháng trước.
Các nguyên nhân khác khiến CPI tháng 8 chỉ tăng nhẹ là nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên giá lương thực, thực phẩm giảm. Theo đó, chỉ số giá lương thực giảm 0,35%, chỉ số giá thực phẩm giảm 0,19%.
Ngoài ra, hầu hết nhu cầu mua sắm trong tháng 8/2016 không lớn do trùng với thời điểm tháng 7 Âm lịch (tháng Cô hồn - tháng Ngâu). Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Ngoài ra hàng ăn, du lịch, mua sắm, đi lại cũng giảm do ảnh hưởng mưa bão.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2016 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, đây là mức lạm phát cơ bản thấp nhất trong khoảng hơn 7 năm gần đây.