Giọng quê

(Baohatinh.vn) - Mỗi miền quê, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay nguồn nước nên có một đặc trưng thổ âm riêng. Mỗi tỉnh thành đều như thế, huyện xã cũng thế, thậm chí làng với làng cách nhau một con sông, một bờ đê cũng đã hai giọng nói khác biệt.

Đi làm về, vừa đến ngõ đã nghe tiếng chào: “Mi đi mần về rồi à?”. Nghe cái giọng vừa lạ vừa quen, ngờ ngợ, thân thương, tôi vội đảo mắt tìm. Thì ra là o (cô) hàng xóm ở trong Sài Gòn vừa mới về quê. Câu hỏi cũng là câu chào vốn là thói quen của dân quê mình. Nghe tiếng o, tôi bỗng rưng rưng xúc động. Theo chồng rời quê công tác đã hơn 40 năm, vậy mà o vẫn một giọng quê không pha tạp. Ắt hẳn niềm quê trong lòng người xa xứ như o lớn lắm.

Giọng quê

Niềm quê trong lòng người xa xứ thường rất lớn... Ảnh tư liệu

Còn nhớ, nhà thơ Hạ Tri Chương nổi tiếng thời Đường (Trung Quốc), năm mươi năm làm quan ở kinh thành, vậy mà khi già trở về quê hương vẫn “Hương âm vô cải, mấn mao tồi” (giọng quê không đổi sương pha mái đầu) dẫu cảnh cũ người xưa đã thay đổi. Còn nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mấy mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, lo toan việc nước, ngày về lại Làng Sen, nói chuyện với bà con dân làng vẫn chân chất giọng quê... Đâu phải cứ quan cao tước lớn, xa nhà quá lâu thì giọng quê thay đổi.

Mỗi miền quê, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay nguồn nước nên có một đặc trưng thổ âm riêng. Mỗi tỉnh thành đều như thế, huyện xã cũng thế, thậm chí làng với làng cách nhau một con sông, một bờ đê cũng đã hai giọng nói khác biệt.

Giọng quê cứ thế đời này di truyền qua đời khác thành mạch nguồn di sản, thành hồn cốt của quê hương. Giọng quê mình, có phải vì nắng mưa lam lũ, vì đất cằn sỏi đá mà nằng nặng thổ âm, chênh vênh hỏi ngã, phong phú từ địa phương. Thậm chí, có người còn kỳ công tạo nên bộ từ điển cho tiếng quê. Giọng quê mình có khi nhọc nhằn như đường cày bừa của cha, cũng có khi ngọt ngào như lời ru của mẹ. Lời yêu thương dẫu thô vụng mà chân thành cất lên thành lời ca điệu ví. Giọng quê, sau bao biến thiên dâu bể, tao loạn nổi chìm thành biên niên sử của làng ghi lại mọi chứng tích.

Giọng quê

Mỗi miền quê, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay nguồn nước nên có một đặc trưng thổ âm riêng. Ảnh tư liệu

Cuộc sống hiện đại, dân quê mình không còn bó buộc cuộc đời sau lũy tre làng. Công việc không chỉ đơn thuần làm bạn với hạt lúa, củ khoai. Có người rời quê đi học, đi làm nơi thành phố; có người rời làng đi xứ khác mưu sinh; thậm chí có người bôn ba khắp năm châu bốn bể.

Dẫu nơi đâu, nghe giọng nói nằng nặng “mô, tê, răng, rứa...” là lại làm quen chào hỏi, rồi nhận ra nhau là đồng hương, rồi cưu mang, giúp đỡ nhau nơi đất khách quê người. Có thể, vì công việc, cuộc sống mưu sinh mà ta phải nói giọng phổ thông cho dễ hiểu. Nhưng khi trở về với làng quê thì lại cởi bỏ hết tất cả để được hồn quê thuần nhất sáng trong. Nếu như phố thị là sự chọn lọc tự nhiên, sự giao thoa mà tạo nên hồn phố; thì quê nhà chính là sự chất phác, truyền thống mà tạo thành hồn quê.

Thương giọng quê mình nhiều trắc trở, chênh vênh; lại thương cả những ai ở vùng miền khác vì nhân duyên mà làm dâu, làm rể quê mình là phải học thêm một “ngoại ngữ”. Chợt nhớ rồi chợt thương như những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong “Tiếng Nghệ”: “Em cười bối rối mà thương/ Thương em một lại trăm đường thương quê”.

Giọng quê

“Cuộc sống xứ người, cứ ao ước được về lại nơi chôn rau cắt rốn để nói một bữa giọng quê mình cho thỏa nỗi nhớ nhung”. Ảnh Internet

Xã hội ngày càng phát triển, khoảng cách vùng miền đã không quá xa xôi. Quê mang mặt phố, phố chứa hồn quê. Người quê mình đi khắp bốn phương tám hướng vẫn mang theo tiếng mẹ đẻ để làm hành trang tinh thần, để còn biết rằng phía ấy ta còn chốn để quay về. Để người còn biết rằng, giọng quê chắt từ sỏi đá khô cằn, nên yêu thương tình nghĩa càng đậm sâu. Để người xa xứ biết rằng, dẫu quê mình có phát triển bao nhiêu nữa thì vẫn còn đó giọng quê muôn đời không đổi.

Trò chuyện với o một lát về công việc, cuộc sống, o bỗng rưng rưng bảo: “Cuộc sống xứ người, cứ ao ước được về lại nơi chôn rau cắt rốn để nói một bữa giọng quê mình cho thỏa nỗi nhớ nhung”. Có gì đâu, chỉ đơn giản như giọng quê được nói giữa làng quê cũng thành nỗi khát khao của người xa xứ. Có phải bởi những điều như thế mà giọng quê mình muôn đời không pha tạp.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.