Hà Tĩnh - biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương

(Baohatinh.vn) - Trong tâm thức người Hà Tĩnh, biển luôn gọi lên tình yêu tha thiết, bởi không chỉ mang trong mình nhiều giá trị kiến tạo sự thịnh vượng, biển còn lưu giữ vẻ đẹp văn hóa, lịch sử quê hương...

Khi những đợt nắng non bắt đầu lên, bước chân tôi lại bồi hồi theo tiếng gọi của biển. Tìm về miền quê Thịnh Lộc (Thạch Hà) trên cung đường luồn giữa những hàng dương ngát xanh, tôi đã mường tượng về làng chài nằm bình yên bên bờ biển.

bqbht_br_3.jpg
Cung đường ven biển chạy qua làng chài Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, Thạch Hà). Ảnh: Huy Tùng

Chẳng bao lâu, tôi đã nghe tiếng thuyền vào bờ, tiếng lao xao của ngư dân vọng lại từ cửa lạch Động Kèn - điểm tiếp giáp giữa làng chài Thịnh Lộc với xã Cương Gián (Nghi Xuân). Ngỡ như, những con nắng đầu mùa đã vén màn sương âm u, đưa ngư dân đến với niềm vui thắng lợi.

Anh Dương Văn Đức - ngư dân ở thôn Yên Điềm phấn khởi chia sẻ: “Chỉ mới đầu mùa mực ống nhưng chuyến ra khơi hôm nay, chúng tôi đã đánh bắt được 10 kg mực. Lộc biển với tôi lúc nào cũng rất quý giá. Vừa nói, anh Đức giữ nguyên nụ cười mộc mạc, chân thành ngoái lại nhìn ra phía biển. Một ngọn gió phả nhẹ qua khuôn mặt rám nắng rắn rỏi của anh, làm bừng thêm nụ cười chất chứa tình yêu với biển. Tôi cảm nhận được nỗi xúc động sâu xa trong sự biết ơn của người ngư dân gần 50 tuổi có hơn 35 năm gắn bó với nghề biển. Anh đang cảm ơn “mẹ biển”, cảm ơn nơi cung cấp nguồn sinh kế cho dân làng từ bao đời.

bqbht_br_a2.jpg
Ngư dân Dương Văn Đức (xã Thịnh Lộc, Thạch Hà) phấn khởi sau chuyến ra khơi.

Còn nhớ vài chục năm trước, với cách thức đánh bắt cũ kỹ, nghề đi biển của làng dần mai một, anh Đức đã lặn lội vào các vùng biển như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên để học hỏi kinh nghiệm. Những năm 2015-2017, anh là người đầu tiên ở Thịnh Lộc áp dụng lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho thuyền chạy bằng ắc quy thay cho đèn măng xông, sau đó là máy phát điện… Sự thay đổi này đã mang lại năng suất cao trong quá trình đánh bắt. Khi ngư dân trong làng muốn học hỏi, anh không ngần ngại hướng dẫn, hỗ trợ mọi người. Khai thác hải sản mang lại kết quả, nhiều người từng bỏ thuyền, bỏ nốc đã quay lại. Từ chỗ cả làng chỉ còn vài chục hộ làm nghề, đến nay, riêng 2 thôn Yên Điềm và Quang Trung đã có 100 hộ làm nghề biển.

Yêu biển, tha thiết với làng, anh Đức còn muốn được chia sẻ tình yêu ấy với du khách bốn phương. Vậy nên, anh đã cùng cháu của mình xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Tâm huyết của anh nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ của chuyên gia du lịch nổi tiếng cả nước - ông Dương Minh Bình và Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh. Chỉ sau nửa năm triển khai, đến nay, mô hình du lịch cộng đồng CBT biển Thịnh Lộc của anh Dương Văn Đức dần hình thành, dự kiến mở cửa đón khách trong ít tháng tới. “Tôi mong không lâu nữa, không chỉ du khách trong tỉnh, trong nước mà còn có cả du khách nước ngoài về khám phá biển Thịnh Lộc, để biết làng chài của chúng tôi đẹp thế nào, hải sản ngon ra sao?” - anh Đức bày tỏ.

a3.jpg
bqbht_br_a4.jpg
Yêu làng chài, anh Dương Văn Đức còn mong quê hương mình được nhiều người biết đến ghé thăm.

Nhìn ánh mắt lấp lánh tràn đầy tâm huyết của ngư dân làng chài Thịnh Lộc, tôi lại nghĩ về biển Hà Tĩnh, nơi cất giữ bao vẻ đẹp của văn hóa, con người “núi Hồng - sông La”, là tiềm năng để phát triển kinh tế, dựng xây nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn gọi mời du khách muôn phương khám phá.

Nằm trọn trong lòng miền Trung, Hà Tĩnh có 137 km đường biển. Trên chiều dài ấy là những bãi biển cát mịn, nước trong, nhiều làng chài cổ có tuổi đời hàng ngàn năm. Trong sự biến thiên của lịch sử, con người đến các vùng biển Hà Tĩnh từ rất sớm, sinh sống, lập nghiệp đã kiến tạo nên lớp lớp trầm tích, vỉa tầng văn hóa giàu bản sắc.

bqbht_br_b1.jpg
bqbht_br_b2.jpg
bqbht_br_b3.jpg
Bãi biển Quỳnh Viên bên núi Long Ngâm (xã Thạch Hải, TP Hà Tĩnh) nơi gắn với huyền tích Chữ Đồng Tử tầm sư học đạo nay đã là một khu du lịch hấp dẫn du khách muôn phương tìm về.

Trong đó, gắn với mỗi địa danh làng biển là những huyền tích, truyền thuyết lay động lòng người. Có thể kể đến như: biển Thiên Cầm với huyền thoại Vua Hùng vi hành qua đây nghe tiếng đàn trời, nơi vua Hồ Quý Ly bị cầm chân; biển Quỳnh Viên (xã Thạch Hải, TP Hà Tĩnh) với truyền thuyết về Chử Đồng Tử và Tiên Dung đến đây tầm sư học đạo cách nay trên 2.000 năm; biển Cửa Sót (xã Thạch Kim, Thạch Hà) với câu chuyện về vị tướng Lê Khôi; biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) với tích Quý phi Bích Châu ra trận cùng vua và xả thân vì nước…

Cùng với các tích truyện là truyền thống văn hóa đặc sắc của người dân mỗi làng chài. Đó là các lễ hội cầu ngư gắn liền với tục thờ cá Ông (cá voi) ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), làng Cam Lâm (Nghi Xuân); hàng chục di tích đền, đài thờ tự các nhân thần, long thần, thiên thần… được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, với ngư trường rộng lớn, biển Hà Tĩnh - nơi giao thoa giữa nhiều luồng hải lưu nóng lạnh và có sự phân hóa rõ nét về tiết khí bốn mùa đã sản sinh ra nhiều loại hải sản nức tiếng thơm ngon như: cá, tôm, cua, ghẹ, các loại ốc, mực…

bqbht_br_a6.jpg
Đến biển Hà Tĩnh, du khách không chỉ có thời gian nghỉ dưỡng tại các khu du lịch hiện đại mà còn được thưởng thức hải sản tươi ngon nức tiếng.

Tất cả vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa truyền thống đặc sắc, nguồn hải sản phong phú… của biển Hà Tĩnh là nguồn tài nguyên phong phú, giá trị để phát triển du lịch. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, du lịch.

Trên thực tế, thời gian qua, Hà Tĩnh đã từng bước biến tiềm năng, lợi thế, xây dựng nên nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách gần xa tìm về. Đó là các KDL biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Xuân Thành (Nghi Xuân), thị trấn Lộc Hà (Thạch Hà), Quỳnh Viên, Thạch Hải (TP Hà Tĩnh), Kỳ Ninh, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh)… Bên cạnh các bãi biển rộng, phẳng, cát mịn, sóng êm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là các khu, điểm du lịch đã được xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, hệ thống giao thông thuận lợi, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, các cơ sở lưu trú 5 sao, 4 sao, 3 sao… Cạnh đó, còn có hệ thống nhà hàng sang trọng, nhiều dịch vụ hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của du khách mọi miền.

bqbht_br_a5.jpg
Một góc khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) hôm nay.

Sở hữu nhiều luồng lạch, cửa ngõ của nhiều con sông, biển Hà Tĩnh đã từng tạo nên thương cảng sầm uất trong quá khứ là cảng Hội Thống (Nghi Xuân). Các cửa biển cũng có ý nghĩa lớn trong vận chuyển hàng hóa, khai thác thủy hải sản như: Cửa Sót - hạ nguồn hợp lưu của nhiều nhánh sông vùng Thạch Hà, Can Lộc; cửa biển Kỳ La (hay còn gọi là Cửa Nhượng, thuộc Cẩm Xuyên); Hải Khẩu (phường Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) - cửa biển mang vị trí chiến lược phòng thủ trong thời phong kiến và nay gắn với cảng nước sâu Vũng Áng…

Các cửa biển không chỉ kiến tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy nội địa thuận lợi mà còn mở ra nhiều tiềm năng lợi thế trong giao thương quốc tế. Trong đó, điển hình là cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng) là cảng biển có vị trí “vàng” trên hành lang hàng hải quốc tế. Cảng biển Vũng Áng đang được đầu tư xây dựng phát triển thành trung tâm logistics tầm cỡ, góp phần đưa Vũng Áng trở thành khu kinh tế trọng điểm không chỉ của riêng Hà Tĩnh mà còn của cả nước.

Trong âm ba sóng biển, mùa hè đã chớm về. Và biển lại tiếp tục cất lên bài ca của mình như một lời mời gọi du khách, các nhà đầu tư, chuyên gia phát triển du lịch… Để từ tiếng gọi thiết tha đó, những trầm tích văn hóa biển lại được nhân lên, lan tỏa. Qua đó, khơi nguồn, bồi đắp thêm cho những giá trị kinh tế biển, góp phần mang lại động lực phát triển mạnh mẽ cho quê hương.

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.
Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Bằng thủ pháp nghệ thuật điểm xuyết chấm phá, đấng tạo hóa điểm thêm lên miền duyên hải Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những điểm nhấn thẩm mỹ say đắm lòng người...
Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, ngành Du lịch Hà Tĩnh đang triển khai 3 mũi chiến lược là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông thôn và du lịch biển với những chuyển động mới nhiều hứa hẹn.
Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Thị trấn Tiên Điền - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử đang rạng rỡ trong những kết quả của hành trình xây dựng đô thị văn minh, phát triển xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Trẩy hội ngày xuân

Trẩy hội ngày xuân

Khi những cánh mai, đào dần phai, mùi trầm hương đã vãn, là lúc tiếng trống mùa lễ hội vang lên trên khắp các vùng quê Hà Tĩnh. Trong sắc xuân mới, các nẻo đường lại rộn rã, náo nức bước chân của người dân tứ xứ về trẩy hội.
“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

Mỗi khi nghe nhạc phẩm “Lá xanh” trong tôi lại rạo rực, bồi hồi. Bài hát là bản tình ca về những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Lễ hội đền Linh Nha (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho Nhân dân.
Đi trong mùa lộc biếc

Đi trong mùa lộc biếc

Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.