Hà Tĩnh khan hiếm thuốc trị đau mắt đỏ

(Baohatinh.vn) - Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn Hà Tĩnh. Kéo theo đó, mặt hàng thuốc dùng để trị bệnh cũng trở nên khan hiếm, nhất là thuốc nhỏ mắt Tobrex.

Thời gian qua, dịch bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Tĩnh. Qua rà soát của ngành y tế, đến nay, Hà Tĩnh đã có hơn 30.000 trường hợp bị đau mắt đỏ.

Dịch lây lan và bùng phát nhanh nên nhiều người dân đã tìm đến hiệu thuốc để mua các loại thuốc để phòng ngừa, điều trị bệnh. Điều này đã khiến mặt hàng thuốc nhỏ mắt, nhất là một số loại thuốc kháng sinh trở nên khan hiếm.

Tobrex - một trong những loại kháng sinh phải có sự chỉ định của bác sỹ để điều trị đau mắt đỏ

Khảo sát tại các cửa hàng bán thuốc chữa bệnh trên địa bàn TP Hà Tĩnh vào chiều 22/9, nhiều cửa hàng kinh doanh đã thông báo hết hàng loại thuốc nhỏ mắt Tobrex - một trong những loại kháng sinh được chỉ định cho điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Không chỉ vậy, qua tìm hiểu được biết, giá bán loại thuốc nhỏ mắt này cũng được nhiều cửa hàng đẩy lên 80.000 đồng/lọ (Tobrex thông thường có giá từ 52.000-55.000 đồng/lọ).

Khách hàng mua thuốc phòng bệnh đau mắt tại nhà thuốc Sỹ Ngọ (TP Hà Tĩnh)

Chị Ngô Thị Bảo Ngọc - chủ nhà thuốc Sỹ Ngọ (đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Dịch đau mắt đỏ lan rộng nên 3 ngày nay, lượng khách đến mua thuốc nhỏ mắt nhiều gấp đôi so với ngày thường.

Hiện nay, cửa hàng đang hết 2 loại thuốc nhỏ mắt Tobrex và Tobradex do nhu cầu mua tăng đột biến. Cái khó là hiện các đại lý nhập hàng đã báo giá nhập vào tăng rất cao, vì thế, mấy ngày nay tôi tư vấn khách mua loại thuốc khác có thành phần tương tự để thay thế như: neomycin, tobramycin...”.

Nhà thuốc Long Châu (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) hiện không có thuốc trị bệnh đau mắt đỏ Tobrex.

Tại nhà thuốc Long Châu (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh), lượng khách đến mua hàng tăng đột biến, trong đó, người mua thuốc trị và thuốc phòng đau mắt đỏ chiếm đến 80%. Theo nhân viên cửa hàng này, không chỉ thuốc nhập khẩu Tobrex “cháy hàng” mà các loại thuốc sản xuất trong nước cũng trong tình trạng khan hiếm.

Ngoài hỏi mua các loại thuốc kháng sinh chỉ định điều trị đau mắt đỏ, nhiều khách hàng có tâm lý mua thuốc về phòng bệnh. Vì vậy, một số mặt hàng như: dung dịch natri clorid 0,9% (3.000 - 5.000 đồng/lọ), thuốc dưỡng mắt laci - eye (20.000 đồng/vỉ 5 ống), thuốc nhỏ mắt Lubrop (20.000 đồng/lọ)... cũng được người dân hỏi mua nhiều khiến sức tiêu thụ tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Một số loại thuốc nhỏ mắt được người dân tìm mua nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Không chỉ ở TP Hà Tĩnh, nhu cầu mua các sản phẩm vệ sinh, dưỡng mắt phòng tránh và các loại thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ ở khắp các địa phương đang tăng cao, nhiều mặt hàng bắt đầu khan hiếm.

Chị Đặng Thị Ngọc Bích - chủ nhà thuốc Hoài Thu (thị trấn Cày, Thạch Hà) cho biết: “Mỗi ngày cửa hàng tiếp đón hàng chục lượt khách vào mua thuốc nhỏ mắt, trong đó nhiều người mua nước muối sinh lý và các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường để phòng tránh dịch bệnh. Các loại thuốc thông thường thì vẫn có giá ổn định, tuy nhiên, một số loại kháng sinh điều trị bệnh bị các đại lý cung cấp đẩy giá cao, thậm chí có loại rơi vào tình trạng khan hàng. Một tuần nay, cửa hàng không thể nhập về thuốc nhỏ mắt Tobrex”.

Khách hàng mua thuốc nhỏ mắt tại một cửa hàng trên đường Hà Huy Tập - TP Hà Tĩnh.

Ông Lê Công Đức - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh khuyến cáo, đợt bùng phát dịch đau mắt đỏ lần này là do vi rút gây ra nên rất khó điều trị và phải dùng thuốc kháng vi rút. Nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc không đúng liều lượng sẽ bị nặng hơn, việc chữa trị kéo dài và dễ tái phát. Vì vậy, tốt nhất khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị theo đơn.

Thuốc nhỏ mắt Tobrex là loại thuốc kháng sinh chỉ định với bệnh nhân có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng nặng như: mắt đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng... Vì vậy, khi sử dụng thuốc này phải có chỉ định của bác sỹ. Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc không đúng cách vì sẽ làm bệnh diễn biến trầm trọng hơn, có thể gây viêm loét giác mạc.

Bác sỹ Lê Công Đức
Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói