Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị.
Sáng nay (22/7), Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020; triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của ngành năng lượng đối với phát triển KT-XH. Bên cạnh kết quả đạt được, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cụ thể, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội….
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là chậm giải quyết những vướng mắc về phương hướng phát triển các nguồn năng lượng và cụ thể hóa cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trước tình hình đó, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu quan điểm: Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Đại sứ Giorgio Aliberti - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu về tăng trưởng và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
“Với quan điểm chỉ đạo, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển KT-XH, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh...” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các tỉnh và một số quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, diễn giả, chuyên gia trong ngành năng lượng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã làm rõ những quan điểm, định hướng lớn, những điểm mới có tính đột phá của Nghị quyết 55; chương trình và kế hoạch hành động của Chính phủ, Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Bộ đã triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020, cùng đó là Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020.
Trao đổi, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ hiện đại cho ngành năng lượng; tạo lập cơ chế, chính sách hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế…
Tại hội nghị, các nhà đầu tư và chính quyền các địa phương ký kết một số dự án tiêu biểu về năng lượng, thể hiện sự cụ thể hóa Nghị quyết 55 vào cuộc sống
Tại hội nghị, các nhà đầu tư và chính quyền các địa phương đã ký kết một số dự án tiêu biểu về năng lượng thể hiện sự cụ thể hóa Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống, như: Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná giữa CTCP Tập đoàn Trung Nam và tỉnh Ninh Thuận; Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại KKT Chân Mây - Lăng Cô (quy mô 6 tỷ USD) giữa CTCP Chân Mây LNG và tỉnh Thừa Thiên Huế; Hợp tác nghiên cứu đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi Lagan Bình Thuận giữa CIP, Asian Petro, Novasia và tỉnh Bình Thuận… |
Kết luận hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, thách thức lớn nhất là nước ta đang là nước phát triển, thu nhập thấp. Do vậy, chủ trương của Đảng là làm sao xây dựng được thị trường năng lượng đồng bộ, giá năng lượng phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào thị trường năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình kết luận hội nghị
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển KT-XH. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã xây dựng, ban hành chương trình hành động thực hiện với một số mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt nghiêm túc, đầy đủ nội dung của Nghị quyết để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, trong cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của của năng lượng với sự phát triển KT-XH của tỉnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Các sở, ngành, địa phương đôn đốc, phối hợp, tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư.