Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nguy cơ cao bùng phát, lây lan dịch cúm gia cầm.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: Từ đầu năm tới nay, dịch cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H5N6) đã phát hiện tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An – địa phương tiếp giáp với Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh hiện có tổng đàn gia cầm khá lớn (khoảng 9 triệu con). Trong bối cảnh khí hậu thời tiết “mưa phùn gió bấc” như hiện nay tạo điều kiện cho phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đã từng phát hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm, lần gần đây nhất là vào năm 2017. Kinh nghiệm của ngành thú y cho thấy, sau 2 – 3 năm chu kỳ dịch bệnh sẽ quay lại và thường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hơn.
Ông Trần Hùng nói rằng phương châm tốt nhất để ứng phó với dịch cúm gia cầm là “phòng bệnh là chính”. Ngoài công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người chăn nuôi, tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng thì phương pháp hữu hiệu và chủ động nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.
Theo các địa phương, mới chỉ các trang trại chăn nuôi số lượng lớn chủ động trong việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm
Mỗi năm, Hà Tĩnh tổ chức 2 đợt tiêm phòng cho đàn gia cầm: đợt 1 từ 1/3 tới 30/4, đợt 2 từ 1/9 tới 30/10. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia cầm của toàn tỉnh trong năm 2019 chỉ đạt 24% kế hoạch.
“Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh gia cầm nhưng tại 13 huyện, thị thì chỉ có TP Hà Tĩnh có tỷ lệ tiêm phòng đạt 92,5%, TX Hồng Lĩnh 55,1%, 11 địa phương còn lại có tỷ lệ thấp, dưới 40%”, ông Trần Hùng nói và cho biết nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm đạt thấp là do các địa phương thiếu quan tâm trong công tác này.
Những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp như huyện Hương Khê 1,6%, huyện Kỳ Anh 2,2%, Vũ Quang 8,1%, TX Kỳ Anh 8,8%, Hương Sơn 11,8%, Lộc Hà 15,7%, Nghi Xuân 22%, Can Lộc 26,6%, Cẩm Xuyên 27,1%, Đức Thọ 31,9%, Thạch Hà 35,4%.
Trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh về lý do tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm đạt thấp, cơ quan chuyên môn tại các địa phương Hương Khê, Kỳ Anh, Lộc Hà cho biết, ở địa bàn phần lớn là chăn nuôi nông hộ (hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp) nên họ không mấy mặn mà với việc tiêm phòng.
Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm tại nhiều địa phương của Hà Tĩnh đạt thấp. Ảnh Hữu Trung.
“Toàn huyện Hương Khê có gần 1 triệu con gia cầm. 90% là chăn nuôi hộ gia đình nên dù đã tuyên truyền, chỉ đạo các xã trong việc tiêm phòng vắc-xin nhưng thực tế thì các hộ dân họ không đưa gà vịt tới tiêm” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh nói và thông tin, với các trang trại chăn nuôi gia cầm số lượng lớn (khoảng 1.000 con) thì chấp hành tiêm phòng rất đầy đủ.
Theo cơ quan chuyên môn, người dân thường chủ quan cho rằng đàn gia cầm đang khỏe không có bệnh tật thì không phải tiêm vắc-xin, chỉ khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, mới quan tâm đến công tác tiêm phòng.
“Đơn vị đang cho rà soát lại đàn gia cầm trên địa bàn. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị quyết liệt thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm”, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Dương Đình Loan cho biết.
Trước nguy cơ xuất hiện, lây lan của dịch cúm gia cầm, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cũng khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nếu có gia cầm bị chết bất thường phải kịp thời báo với cơ quan chức năng để lấy mẫu xét nghiệm; khẩn trương tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm, nhất là tại các địa phương, các trang trại có quy mô nuôi lớn; thực hiện có hiệu quả tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường nuôi.