Giai đoạn 2011-2019, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mới, nâng cấp được 7.438 km đường giao thông nông thôn.
Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ cho biết, Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và nguồn lực trong nhân dân để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Giai đoạn 2011 - 2019, toàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp 7.438 km đường GTNT. Nhiều địa phương như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Thạch Hà… đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về phong trào làm giao thông.
Quốc lộ 15 - kết nối phát triển kinh tế - du lịch giữa các vùng miền trong tỉnh và khu vực.
Tuy nhiên, cũng theo ông Kỳ, hiện vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được đầu tư, một số tuyến đường đầu tư đã lâu nên qui mô cấp hạng còn thấp, xuống cấp nghiêm trọng. Với hạ tầng như hiện nay sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng cao, không tạo được động lực phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Theo các quy hoạch của Bộ GTVT, của tỉnh thì hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bao gồm: 10 tuyến quốc lộ với chiều dài 797,07 km; 9 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 349,78 km; 101 tuyến huyện lộ với tổng chiều dài 966,41 km, quy hoạch tối thiểu đạt cấp V miền núi.
Cầu Chợ Hôm, xã Phương Mỹ (Hương Khê) hoàn thành năm 2018 thỏa niềm mong ước từ bao đời nay của hàng ngàn hộ dân địa phương.
Hệ thống các tuyến đường trên tạo thành một mạng lưới dựa trên 4 trục dọc là đường ven biển, quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh; 4 trục ngang là quốc lộ 8, đường Thạch Hải - Khe Giao - Phúc Đồng (đường Hồ Chí Minh), đường Cẩm Nhượng - Kẻ Gỗ - Mốc N9, quốc lộ 12C.
Các trục đường này sẽ kết nối với các quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện, trục xã tạo thành một mạng lưới liên hoàn, kết nối các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng có tổng chiều dài 68,4 km với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng đang được các đơn vị nhà thầu khẩn trương triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.
“Trong giai đoạn 2020 - 2025, căn cứ vào hiện trạng và sự cần thiết, Sở GTVT đề xuất nhu cầu nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 24.777 tỷ đồng.
Trong đó, nhu cầu vốn để nâng cấp, mở rộng mới 15 dự án là 23.940 tỷ đồng (gồm 8 dự án quốc lộ do Bộ GTVT quyết định đầu tư, 7 dự án đường địa phương do UBND tỉnh quyết định đầu tư); hoàn thành 5 dự án trọng điểm đang triển khai là 837 tỷ đồng” - Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ cho hay.
Quốc lộ 8A - một trong những huyết mạch giao thông quan trọng của Hà Tĩnh đang thi công dở dang từ nhiều năm nay, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và phát triển KT-XH của địa phương.
Hà Tĩnh là tỉnh được Trung ương chỉ đạo điểm về xây dựng “Tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025”, làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá tỉnh đạt chuẩn NTM.
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ này, thời gian qua, Văn phòng NTM tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo từng tiêu chí, lĩnh vực phụ trách tham mưu, xây dựng đề án. Đặc biệt, đối với tiêu chí số 2 (giao thông) được xác định là tiêu chí quan trọng, điều kiện cơ bản góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và để thực hiện các tiêu chí khác.
Quốc lộ 8C (đoạn qua xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn) xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của người dân.
Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, thúc đẩy phát triển KT-XH, sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh NTM, bên cạnh phát huy nội lực, Hà Tĩnh rất cần hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là các công trình, dự án cấp bách như: Cao tốc Bắc Nam đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng, quốc lộ 12C, 8A, 8C, cầu Cửa Hội...