Hà Tĩnh: Thời tiết “ẩm ương”, nhiều học sinh nghỉ học do mắc cúm

(Baohatinh.vn) - Thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ nóng ẩm đan xen khiến số lượng người bị mắc cúm gia tăng mạnh. Một số lớp học ở Hà Tĩnh có gần 1/3 học sinh phải nghỉ học do mắc cúm A.

Dẫu chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo phản ánh từ các nhà trường, những ngày qua, số học sinh bị cảm, cúm có chiều hướng gia tăng. Tại lớp 12A8, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), trong sáng 6/2 đã có 16/40 học sinh nghỉ học, trong đó có 11 học sinh nghỉ ốm do bị cúm A.

Hà Tĩnh: Thời tiết “ẩm ương”, nhiều học sinh nghỉ học do mắc cúm

Một số lớp học tại Trường THPT Phan Đình Phùng vắng nhiều học sinh do bị cảm, cúm.

Cô Phan Thị Phượng - Chủ nhiệm Lớp 12A8 cho biết: “Thời tiết thay đổi nên từ sau tết đến nay, số lượng học sinh bị cảm cúm gia tăng. Nhiều em dù bị ốm nhưng vẫn cố gắng đến lớp tiếp thu kiến thức. Để hỗ trợ các em, chúng tôi đã động viên, thăm hỏi, gửi đề, bài tập để các em được bổ sung kiến thức kịp thời”.

Tại Trường Mầm non Trung Lộc (Can Lộc), do diễn biến thất thường của thời tiết những ngày sau tết, tỷ lệ chuyên cần của học sinh cũng giảm hơn trước. Trong sáng 6/2, toàn trường có 37 trẻ nghỉ học do bị cúm, chủ yếu là học sinh các lớp 3 - 4 tuổi.

Hà Tĩnh: Thời tiết “ẩm ương”, nhiều học sinh nghỉ học do mắc cúm

Trường Mầm non Trung Lộc hiện có 37 em nghỉ học do bị cảm, cúm.

Cô Hoàng Thị Khiêm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lộc cho biết: “Để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh trong bối cảnh thời tiết “ẩm ương”, trường cũng đã có bài tuyên truyền nhắc nhở các bậc phụ huynh đảm bảo các điều kiện cho trẻ khi ở nhà và khi đến lớp. Ngoài việc tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, chúng tôi cũng tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quan tâm bữa ăn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các em”.

Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh), hiện có trên 30 bệnh nhân phải điều trị do bị mắc cúm A. Các bệnh nhân bị mắc cúm ở các lứa tuổi khác nhau, trong đó, trẻ em chiếm phần lớn. Đặc biệt, có nhiều phòng bệnh, cả gia đình 4 người cùng vào điều trị cúm.

Hà Tĩnh: Thời tiết “ẩm ương”, nhiều học sinh nghỉ học do mắc cúm

Bác sỹ BVĐK tỉnh thăm khám cho một bệnh nhân nhi bị cúm A đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

Bác sỹ Đặng Thị Hằng - Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) cho biết: “Người bị mắc cúm A sẽ có những biểu hiện như: sốt cao, đau rát họng, ho nhiều, khản tiếng, ngạt mũi, đau đầu, đau mỏi các cơ, một số ít bệnh nhân tiêu chảy. Nếu bị mắc cúm A không điều trị kịp thời sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, suy hô hấp... Vì vậy, khi thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường, đặc biệt là sống trong vùng dịch tễ có người bị mắc bệnh, cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đảm bảo các biện pháp phòng bệnh và đi khám sớm, nhất là những trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng như: người già, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ".

Nguyên nhân việc gia tăng người mắc cúm A là do thời tiết nóng, lạnh thất thường, ẩm độ cao, tạo điều kiện cho các loại virus đường hô hấp phát triển, trong đó có vi-rút cúm. Ngoài ra, thời tiết không ổn định cũng khiến cho sức đề kháng suy giảm, nhất là trẻ em nên tỷ lệ nhiễm các loại vi-rút đường hô hấp tăng cao, trong đó có cúm.

Hà Tĩnh: Thời tiết “ẩm ương”, nhiều học sinh nghỉ học do mắc cúm

Bác sỹ Đặng Thị Hằng trao đổi một số biện pháp phòng, chống với bệnh cúm cho người nhà bệnh nhân.

Người dân mọi độ tuổi, cả nam và nữ đều có thể mắc cúm. Vì vậy, để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp như: bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; người trên 6 tháng tuổi nên tiêm chủng cúm hằng năm (do các chủng vi-rút cúm có thể thay đổi). Đặc biệt, cần ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người trên 50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (bị tiểu đường, bị suy giảm miễn dịch), phụ nữ mang thai; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Bác sỹ Đặng Thị Hằng - Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh)

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.