Theo nhiều tài liệu trong lịch sử thì Hà Tĩnh có khi là lộ, phủ, châu, khi là quận, trấn, đạo… Trước đây, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An thuộc Việt Thường. Thuở Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng Hà Tĩnh thuộc Bộ Cửu Đức, rồi quận Cửu Chân. Đến thời nhà Đinh, tiền Lê gọi là Hoan Châu.
Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng (thuộc TDP 7, phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) là địa điểm tâm linh duy nhất thờ Đức thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng tại vùng Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong ảnh: Lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh đọc tế lễ tại Đại lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2018. Ảnh: Giang Nam.
Năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh được thành lập với 2 phủ Đức Thọ và Hà Hoa.
Năm 1853, vua Tự Đức đổi tỉnh Hà Tĩnh làm đạo, hợp vào Nghệ An thành An - Tĩnh. Năm 1875, vua Tự Đức bỏ đạo Hà Tĩnh lập lại tỉnh Hà Tĩnh gồm những phủ, huyện như trước. Năm 1976, sáp nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1991, chia tách thành hai tỉnh, Hà Tĩnh được tái lập như ngày nay.
Núi Hồng - sông La. Ảnh: Đậu Hà.
Dù sáp nhập hay chia tách, Hà Tĩnh vẫn lưu giữ những bản sắc văn hóa trong dòng chảy văn hóa Xứ Nghệ, Việt Nam. Nói cách khác, văn hóa Hà Tĩnh là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời văn hóa Xứ Nghệ. Đó chính là trí tuệ, năng lực sáng tạo, khát vọng nhân văn của người Hà Tĩnh. Đó cũng là những thành tựu của cộng đồng người Hà Tĩnh đã chung lưng đấu cật, bền gan, quyết chí trong thích ứng, đấu tranh với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm để tồn tại và phát triển.
Hà Tĩnh là vùng đất của những con người giàu lòng yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất, xông pha can trường, luôn đi đầu, bước trước trong mọi cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Những tên đất, tên làng gắn với những chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc.
Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích cấp Quốc gia vào năm 1989 và năm 2013 được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt trong hệ thống các di tích trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học và học giỏi, nhiều người đỗ đại khoa. Nhiều người thông minh, kỳ tài, có tầm nhìn xa trông rộng. Đó là những vị quan thanh liêm, cương trực hết lòng phụng sự quốc gia, dân tộc. Đó là những con người gan góc, mưu trí, sống cần kiệm, chân tình trong cuộc sống. Những con người luôn đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình thủy chung, lao động cần cù, sáng tạo, lạc quan, yêu đời, vươn lên không ngừng.
Hà Tĩnh có kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú. Đặc biệt có nhiều di sản văn hóa đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và châu Á - Thái Bình Dương. Đại thi hào Nguyễn Du, người con của quê hương Hà Tĩnh là danh nhân văn hóa thế giới với kiệt tác Truyện Kiều bất hủ.
Di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân) bao gồm một tổ hợp di sản vật thể và phi vật thể, trong đó, nổi bật là Di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Hà Tĩnh đất anh hùng, đất thi nhân với nhiều nghệ sỹ tài hoa làm rạng danh đất Việt. Quê hương của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, của ca trù, sắc bùa, hò, chèo cạn, nhiều lễ hội văn hóa… từng làm say lòng tao nhân mặc khách. Ngày nay, Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều ca khúc nổi tiếng (theo thống kê chưa đầy đủ đã có trên 200 ca khúc) được nhiều người biết đến.
Điều gì đã góp phần làm nên những giá trị, bản sắc văn hóa Hà Tĩnh? Đã có rất nhiều lý giải về tự nhiên, xã hội, về lịch sử văn hóa. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Ruộng đất phần nhiều rắn xấu, ít bằng phẳng, ruộng núi thì cao khô mà nước khe không tưới được mấy, ruộng gần biển thì thường bị nước mặn, có đắp đập ngăn cũng khó thành công, vì thế, Nhân dân yên phận nghèo nàn mà chuộng cần kiệm”(1). Đó cũng là một yếu tố hình thành nên tính cách con người Hà Tĩnh luôn cần cù, chịu đựng, cứng cỏi, sống tiết kiệm, giản dị.
Làng khoa bảng Đông Thái, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ảnh: PV
Do thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh giặc giã nên những con người nơi đây luôn nuôi chí lớn, phải học. Học để hiểu đạo thánh hiền, học thành tài để ly hương tìm kiếm việc làm, sinh kế và sau này khi trở về mở trường dạy học, giúp dân xây dựng và bảo vệ xóm làng. Là vùng đất luôn phải đối đầu với nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, một thời Hà Tĩnh gọi là “phên dậu” quốc gia nên nhiều quan chức, văn võ đến trị nhậm, nhiều người lấy vợ sinh cơ lập nghiệp ở đây hình thành nên những dòng họ lớn với nhiều khoa bảng nổi tiếng sau này.
Hà Tĩnh là vùng giáp lưu, giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam - Bắc; giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh; sự giao lưu của văn hóa Đông - Tây… Nhưng sức sống của văn hóa bản địa vốn mạnh mẽ luôn được khẳng định, gìn giữ và phát triển. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cư dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, gắn bó xây dựng nên một truyền thống, những giá trị văn hóa vừa mang tính chung của văn hóa Xứ Nghệ, văn hóa dân tộc, vừa đậm đà sắc thái địa phương, cốt cách Hà Tĩnh.
Di sản văn hóa Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc). Trong đó, nổi bật là “Mộc bản trường học Phúc Giang” (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) và “Hoàng hoa sứ trình đồ” (Hành trình đi sứ Trung Hoa) đã được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: PV
Gìn giữ, phát huy và tạo thêm những giá trị văn hóa mới đã được các thế hệ hôm nay không ngừng bồi đắp. Đó là lòng yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, sẵn sàng đóng góp, nhường đất đai, nhà cửa để thực hiện các dự án xây dựng công trình, mở đường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Đó là chăm lo việc học, học giỏi, thi đỗ cao, giữ chức vụ quan trọng và luôn có trách nhiệm với quê hương.
Thời gian trôi đi, những đền đài, miếu mạo sẽ cổ kính, rêu phong, nhưng những giá trị văn hóa Hà Tĩnh vẫn trường tồn và được phát huy hơn nữa trong thời đại mới.
________
(1) Theo Đại Nam nhất thống chí (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 100.