Hà Tĩnh xử lý hơn 100 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

(Baohatinh.vn) - Sau gần một tháng ra quân, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã kiểm tra 4.086 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 111 cơ sở vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Tĩnh xử lý hơn 100 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm tại cơ sở ở huyện Nghi Xuân.

Bà Đào Thị Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thông tin: Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, từ ngày 18/4 đến ngày 15/5, đoàn liên ngành của tỉnh với sự chủ trì của Sở Y tế phối hợp với các Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm ở 13/13 huyện, thị xã, thành phố.

Trong đó, đoàn tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm thực 3 bước, các điều kiện về con người trong chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở ngày càng có ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Đối với các cơ sở vi phạm, đoàn đã kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định để tạo tính răn đe và nâng cao nhận thức.

Hà Tĩnh xử lý hơn 100 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Đoàn liên ngành kiểm tra tại một cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Trong thời gian gần 1 tháng, đoàn liên ngành cấp tỉnh đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện 3 cơ sở tại TP Hà Tĩnh và huyện Vũ Quang vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, với các lỗi như: không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; người trực tiếp chế biến thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; kinh doanh hàng quá hạn sử dụng. Trên cơ sở đó, đoàn đã lập biên bản và xử phạt các cơ sở với tổng số tiền 8,8 triệu đồng.

Cùng với việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh, đoàn liên ngành cấp tỉnh còn tiến hành kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của các ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP cấp huyện với các nội dung: công tác chỉ đạo điều hành; tổ chức và hoạt động ban chỉ đạo; công tác thanh tra, kiểm tra; hoạt động truyền thông, giáo dục... Đoàn liên ngành đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế của các ban chỉ đạo trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm, từ đó yêu cầu khẩn trương vào cuộc để khắc phục.

Hà Tĩnh xử lý hơn 100 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một trong những nội dung được các đoàn kiểm tra hết sức quan tâm.

Không chỉ đoàn liên ngành cấp tỉnh mà trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các địa phương cũng đã có sự vào cuộc quyết liệt. Tại huyện Lộc Hà đã tiến hành thành lập 13 đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó 1 đoàn cấp huyện và 12 đoàn cấp xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà cho biết: “Là địa phương có Khu du lịch biển Lộc Hà với số lượng các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm khá nhiều nên huyện rất chú trọng công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, tránh ảnh hướng đến môi trường phát triển du lịch.

Trong thời gian gần 1 tháng, huyện Lộc Hà đã kiểm tra 178 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 10 cơ sở vi phạm. Lực lượng chức năng đã xử phạt với tổng số tiền 15,3 triệu đồng".

Theo tổng hợp từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong “Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm” năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập 232 đoàn, trong đó cấp tỉnh 3 đoàn, cấp huyện 14 đoàn, cấp xã 215 đoàn. Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 4.086 cơ sở. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 111 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 190 triệu đồng.

Hà Tĩnh xử lý hơn 100 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Các sản phẩm được kiểm tra theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hành.

Bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đánh giá: “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã được các cấp chính quyền triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh; nhiều vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện và xử lý kịp thời. Không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn trong tháng cao điểm.

Tuy nhiên, qua tổng hợp cho thấy, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở có hành vi vi phạm còn thấp, đặc biệt là tuyến xã, phường, thị trấn nên chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở vi phạm. Đang còn tình trạng cơ sở thực phẩm kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng nhập lậu…

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiến nghị, dù tháng hành động đã kết thúc song các địa phương cần tiếp tục duy trì và triển khai tốt các hoạt động về bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ các cơ sở việc khắc phục các tồn tại sau kiểm tra. Đồng thời, cần gắn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, kết hợp hướng dẫn các cơ sở đã được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP duy trì tốt các điều kiện, quy trình đã cam kết, xây dựng".

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.