Trong số này đáng chú ý có Chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor và người đứng đầu hãng Samsung. Theo đó, các công tố viên đang tập trung điều tra xem liệu bà Park Geun-hye có gây áp lực với các chủ tập đoàn lớn như Hyundai Motor, Samsung và nhiều doanh nghiệp khác để buộc họ phải quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do người bạn thân của bà lập nên.
Người dân Hàn Quốc tiếp tục biểu tình đòi bà Park GEun-hye từ chức. Ảnh: AP |
Trong lúc này, Tổng thống Park Geun-hye vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Ngày 12/11, hàng chục nghìn người dân Hàn Quốc tiếp tục đổ ra các đường phố ở thủ đô Seoul đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Đây được cho là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Hàn Quốc trong khoảng 30 năm qua.
Cảnh sát ước tính có khoảng 170.000 người biểu tình trong khi các nhà tổ chức biểu tình lại cho rằng số người tham gia biểu tình phải lên tới 1 triệu người.
Cảnh sát đã triển khai khoảng 25.000 nhân viên, trong đó nhiều người được trang bị đầy đủ thiết bị chống bạo động, để đảm bảo cuộc biểu tình diễn ra hòa bình. Bên cạnh đó, nhiều xe buýt và xe tải của cảnh sát cũng đóng chốt tại mọi lối vào Nhà Xanh (dinh Tổng thống).
Đây cũng là cuộc biểu tình thứ 3 liên tiếp trong những ngày cuối tuần để phản đối Tổng Thống Park Geun-hye vì đã để cho người bạn thân can dự vào công việc điều hành chính phủ.
Bà Park Geun-hye đang phải đối phó với vụ bê bối vì đã tiết lộ nhiều bài phát biểu và tài liệu cho bà Choi Soon-Sil, bạn thân của bà trong 40 năm qua. Bà Choi bị nghi ngờ lợi dụng mối quan hệ này để can thiệp vào các công việc quốc gia, trong đó có một số vấn đề chính sách nhạy cảm.
Bà Choi cũng đang bị điều tra việc lợi dụng quan hệ thân thiết với Tổng thống để gây ảnh hưởng lên các doanh nghiệp lớn, khiến họ phải quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà lập nên. Ước tính số tiền đóng góp vào các quỹ này khoảng 50 tỷ won (tương đương 44 triệu USD).
Tổng thống Park Geun-hye đã lên tiếng nhìn nhận sai lầm, đồng thời khẳng định sẽ sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà ủy ban điều tra thuộc Bộ Tư Pháp đặt ra./.