Cảnh đông đúc tại một hội chợ việc làm vào tháng 4 ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Sally Zhang chia sẻ cô đến Thượng Hải với số tiền tiết kiệm khiêm tốn và căn hộ nhỏ ở Baoshan là nơi rất xa trung tâm, không có ga tàu điện ngầm nhưng “giúp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cô ở thời điểm đó”.
Thời gian nghỉ ngắn ngủi nhưng miễn phí của Sally Zhang tại căn hộ nhỏ này nằm trong sáng kiến của chính quyền Thượng Hải để hỗ trợ những thanh niên tìm việc trong bối cảnh nhiều khó khăn. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin năm nay thị trường việc làm Trung Quốc dự kiến đón lượng kỷ lục 11,58 triệu cử nhân mới tốt nghiệp trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với tình hình hậu COVID-19.
Quận Baoshan đưa ra chương trình nơi ở miễn phí từ tháng 6/2022. Người đăng ký có thể ở căn hộ đến 5 ngày. Để đạt tiêu chuẩn, họ phải nằm trong nhóm cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tốt nghiệp trong năm nay và nhận được lời mời phỏng vấn từ các công ty địa phương.
Một quận khác tại Thượng Hải là Pudong cũng học tập Baoshan từ đầu năm nay. Khắp Trung Quốc, ngày càng nhiều chính quyền thành phố đã triển khai chương trình hỗ trợ nơi ở tương tự cho cử nhân mới tốt nghiệp, động thái này không chỉ nhằm xoa dịu gánh nặng tài chính với họ mà còn góp phần thu hút nhân tài cho địa phương.
Nhiều thành phố tại tỉnh Giang Tô còn bật đèn xanh chỗ ở miễn phí tới 14 ngày cho những cử nhân tìm việc. Thành phố Nam Kinh tại Giang Tô vào tháng 3 còn dành tới 500 phòng ở 12 địa điểm dành cho những người tìm việc đã có bằng cử nhân trong vòng 2 năm qua và họ có thể ở miễn phí trong 2 tuần.
Trong khi đó, yêu cầu của thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông còn đơn giản hơn. Từ tháng 3, bất cứ ai dưới 35 tuổi có bằng cao đẳng hoặc hơn đều có thể đăng ký ở 7 ngày miễn phí tại những khách sạn được chỉ định.
Nhân viên giao hàng đeo găng tay và khẩu trang để tránh nắng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16-24 tuổi trong tháng 3 năm nay là 19,6%, tăng so với mức 18,1% của một tháng trước đó. Nhà nghiên cứu Chu Zhaohui tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc đánh giá chiến dịch nơi ở miễn phí có thể giúp giảm bớt khó khăn đối với một số cử nhân nhưng giải pháp tối ưu nhất vẫn liên quan đến sự phục hồi kinh tế.
Ông nói: “Trong vài năm qua, nhiều công ty gặp khó khăn bởi dịch bệnh và tôi không cho rằng họ có thể hồi phục đến mức tuyển thêm nhiều nhân sự trong ngắn hạn. Do đó, tôi dự đoán sẽ không sớm có nhiều công việc mới”.
Kênh Al Jazeera cho biết tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV sáng 5/3 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc khi đó Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023.
Giáo sư kinh tế học tại Đại học Fudan Shi Lei cảnh báo Trung Quốc phải đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn để đáp ứng nhu cầu việc làm.
Giáo sư Shi Lei nhấn mạnh: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cứ 1% tăng trưởng kinh tế tương đương với 1 triệu đến 1,5 triệu việc làm. Do đó, chúng ta cần tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6% hoặc cao hơn để giữ mức thất nghiệp dưới mức có thể chấp nhận được. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 6% là tiêu chí cơ bản đối với ổn định xã hội do đó chúng ta phải theo đuổi số lượng (tăng trưởng GDP) trước khi nói đến chất lượng”.
Tỷ lệ thất nghiệp tổng thể tại Trung Quốc là 5,3% trong tháng 3, thấp hơn mức 5,6% của tháng 2.