Những chiếc bánh chưng nghĩa tình là giải pháp hợp lý trong những ngày nước lũ dâng cao.
Giữa đỉnh lũ, chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại ngỏ ý được chia sẻ khó khăn, tuy nhiên, cũng có rất nhiều tổ chức, cá nhân do không có kinh nghiệm nên thiếu hợp lý trong việc hỗ trợ. Trong thời điểm người dân đói khát, chúng tôi đã phải hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tạm thời hoãn các hoạt động hỗ trợ tiền và trang thiết bị như quần áo, sách vở… thay vào đó là nước và các loại đồ ăn nhanh.
Lúc hoạn nạn, những hộp cơm trao tận tay của các các tổ chức, cá nhân là nghĩa cử vô cùng ấm áp
Trong những ngày Hà Tĩnh chìm trong lũ lụt, nhất là khu vực thành phố, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nhân dân đã nhận được rất nhiều tình cảm, sự chia sẻ kịp thời của người dân cả nước. Từ những tiếng kêu cứu lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều các tổ chức, cá nhân từ thiện trong tỉnh và cả nước đã quyên góp tại chỗ, tổ chức nấu cơm, cháo, gói bánh chưng…
Trong khó khăn hoạn nạn, sự chia sẻ nào cũng vô cùng đáng quý, đặc biệt là những chiếc bánh chưng đã trở thành một “sáng kiến” rất hợp lý, giúp người dân vùng lũ ấm lòng và yên tâm chống chọi với thiên tai.
Phong trào nấu bánh chưng đã nhanh chóng lan rộng trên cả nước. Ảnh Internet
Đến thời điểm hiện tại, mưa đã giảm, nước đã bắt đầu rút, những nhu cầu cấp thiết của người dân cũng đã dần thay đổi. Bên cạnh cần những hộp cơm, chiếc bánh, người dân còn cần sự hỗ trợ khác để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, nấu bánh chưng hỗ trợ đồng bào vùng lũ đã trở thành phong trào nhanh chóng lan rộng ở trong tỉnh lẫn trên cả nước.
Phụ nữ phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) nấu cháo cho cán bộ, y, bác sỹ và bệnh nhân Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Hà Tĩnh.
Mỗi ngày, vẫn đang còn rất nhiều tổ chức trên cả nước triển khai nấu bánh chưng… để gửi tới đồng bào vùng lũ Hà Tĩnh. Với số lượng lên đến hàng vạn chiếc, số bánh này có thể vượt quá nhu cầu sử dụng của người dân vùng lũ, bởi ngoại trừ một số nơi ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh và các bệnh viện bị ngập chưa tổ chức được việc nấu ăn thì cơ bản người dân đã có thể tự lo về lương thực, thực phẩm.
Để đảm bảo nguồn cứu trợ phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân vùng lũ, trước hết, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần nắm bắt tình hình, nhu cầu của bà con để định hướng cho các tổ chức, đoàn thể trong việc lựa chọn phương án cứu trợ, tính toán lại số lượng thực phẩm để phân chia nguồn quỹ hợp lý, thiết thực, ý nghĩa.