Phun tiêu độc, khử trùng trước khi vận chuyển gia cầm vào địa bàn.
Bên cạnh đó, hiện nay, dịch cúm A/H5N1, H5N6 đã xẩy ra tại 6 tỉnh trên địa bàn cả nước. Trong đó, tại huyện Diễn Châu và TP Vinh (Nghệ An), xuất hiện dịch cúm A/H5N1. Hà Tĩnh có tổng đàn gia cầm khá lớn, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp.
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, của tỉnh, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Ông Trần Hữu Duyệt – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay: Cẩm Xuyên có tổng đàn gia cầm khá lớn, hơn 800.000 con và là nơi thường xuyên xẩy ra dịch bệnh. Huyện giám sát chặt chẽ tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung; hộ chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở ấp trứng, thu gom, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm. Bên cạnh đó, cử cán bộ chuyên môn giám sát tại các cơ sở giết mổ gia cầm, các điểm chợ mua bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống gia cầm nhằm ngăn ngừa dịch bệnh
Trạm kiểm soát, kiểm dịch động vật trên QL 1A tại TX Hồng Lĩnh luôn túc trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng các xe vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm đi qua và nhập vào địa bàn. Những xe vận chuyển gia cầm giống nhập vào địa bàn đều được trạm thông báo cho chính quyền địa phương để tiến hành giám sát chặt chẽ trước khi nhập đàn.
Đến thời điểm này, Chi cục Thú y đã phân bổ 25.000 lít hóa chất cho các địa phương để vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường tại các khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao. Mặc dù kế hoạch tiêm vắc-xin phòng dịch định kỳ đợt 1 năm 2017 của tỉnh đến 15/3 mới triển khai nhưng hiện tại, một số địa phương đã chủ động tiếp nhận và tiến hành tiêm vắc-xin cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm, trong đó, TP Hà Tĩnh 10.000 liều, TX Hồng Lĩnh 29.000 liều…
Thời điểm này, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn gia cầm; thời gian miễn dịch sau tiêm phòng đợt 2 năm 2016 đã hết nên nguy cơ xẩy ra dịch bệnh rất cao. “Để chủ động phòng chống, người dân cần theo dõi đàn gia cầm của mình, khai báo kịp thời khi phát hiện gia cầm bị bệnh. Các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống các chủng vi-rút cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người để có phương án xử lý kịp thời khi có trường hợp lây nhiễm...” - ông Trần Hùng cho biết thêm.