Hít phải khói thuốc lá thường xuyên sẽ gây ra nhiều bệnh cho trẻ em, trong đó có viêm tai giữa.
Hút thuốc là thói quen khá phổ biến của nhiều nam giới. Đáng lo ngại là nhiều người thường hút thuốc trong nhà, làm phụ nữ và trẻ em trở thành những người hút thuốc thụ động, gây ra nhiều hệ luỵ nguy hiểm.
Ghi nhận tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà), trong số 40 trẻ đang điều trị nội trú thì có đến hơn 70% trẻ bị các bệnh lý về đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa và không ít bệnh nhi vào nhập viện do hít phải khói thuốc. Chị T.T. N. (thị trấn Thạch Hà) mẹ của cháu V. chia sẻ: “Bé mới được 2 tuổi mà bị viêm phổi 3 lần, một trong những nguyên nhân là hít phải khói thuốc lá vì ở trong nhà có bố của cháu hút thuốc lá”.
Đối với trẻ nhỏ thì khói thuốc lá hết sức nguy hiểm so với người trưởng thành.
Tại Khoa Nhi (BVĐK tỉnh), hiện có trên 90 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó, có gần 80% trẻ bị viêm phổi. Trong số các trẻ bị viêm phổi có một số trẻ phải chuyển lên tuyến trên vì bệnh nặng. Theo thông tin từ các bác sỹ, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phổi là do trẻ sống trong môi trường có khói thuốc.
Bác sỹ Phan Quang Thỏa - Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cho biết: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần. Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200gam. Bên cạnh đó, trẻ hút thuốc lá thụ động còn ảnh hưởng đến các vấn đề về hô hấp, vì khói thuốc thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm”.
Trẻ tiếp xúc thụ động với khói thuốc sẽ khiến chức năng hô hấp kém phát triển.
Cũng theo bác sỹ Phan Quang Thỏa, các nghiên cứu y tế cũng cho thấy, trẻ em tiếp xúc với khói thuốc còn có nguy cơ bị bệnh viêm tai giữa. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Bệnh viêm tai giữa có thể dẫn tới mất khả năng nghe.
Một vấn đề khác nữa là hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ, nó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như: ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%.
Để hạn chế việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt ngăn chặn tình trạng trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trong đó, tập trung vào các vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng, về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo giá thuốc lá đắt hơn, ngăn chặn việc gia tăng mua thuốc lá. Cần ban hành chính sách cấm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cha mẹ và những người sống cùng trẻ, nhằm ngăn ngừa việc trẻ hít phải khói thuốc lá.