Không chia nhỏ gói thầu, xử lý dứt điểm vướng mắc khi thi công dự án cao tốc Bắc – Nam

(Baohatinh.vn) - Tại cuộc làm việc về tình hình triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị (trong đó có Hà Tĩnh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường.

Tối 28/1, tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc về tình hình triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng dự.

Về phía Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tại cuộc làm việc.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị có tổng chiều dài 480,5 km qua địa bàn 7 tỉnh, được chia thành 10 dự án thành phần thuộc 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 221,2 km với 5 dự án thành phần, giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài 259,3 km với 5 dự án thành phần qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m.

Dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương...

Trong 5 dự án thành phần của giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) đã hoàn thành vào đầu năm 2022; 4 dự án còn lại đang triển khai thi công.

Về các dự án thuộc giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 189,43/259,12 km (đạt 73%), đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải đáp một số kiến nghị, vướng mắc của các đơn vị, địa phương liên quan tới dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

5 dự án giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 9 gói thầu xây lắp, trong đó 8/9 gói thầu đã ký kết hợp đồng xây lắp, còn lại 1 gói thầu thuộc dự án Vũng Áng - Bùng dự kiến sẽ ký hợp đồng ngày 6/2/2023.

Với các gói thầu đã ký kết hợp đồng, các nhà thầu đang lập kế hoạch triển khai, tổ chức khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ; trong đó, một số gói thầu đã tổ chức triển khai thi công (đường công vụ, đào bóc hữu cơ, chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt trạm trộn).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo một số nội dung liên quan tới dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình tới Quảng Trị tại cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ban, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và địa phương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan tới công tác GPMB, tiến độ thi công từng gói thầu; đồng thời, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới GPMB, mỏ vật liệu xây dựng, vấn đề dự phòng trượt giá...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phát biểu tại cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết: Trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được thực hiện qua 2 giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2025.

Giai đoạn 2017 – 2020 có dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt dài 49,3 km, trong đó đoạn qua huyện Đức Thọ là 4,84 km, đã hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư.

Giai đoạn 2021 – 2025 có 3 dự án thành phần là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng với chiều dài 102,38 km cùng 3 tuyến kết nối dài 12,18 km.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trong chuyến thị sát vào chiều 28/1.

Về công tác GPMB dự án, Hà Tĩnh đã kiểm đếm đạt 97,76%, phê duyệt phương án bồi thường 85,99%, đền bù và bàn giao mặt bằng 81,3%; tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB là 733,18/767,17 tỷ đồng (đạt 95,57%). Dự kiến trong tháng 2/2023, tỉnh sẽ khởi công xây dựng 30 khu tái định cư, hoàn thành trong tháng 6/2023…

Hà Tĩnh cũng đã tổng hợp nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và cung cấp vị trí đổ vật liệu thải (không phải là chất thải nguy hại) cho chủ đầu tư, nhà thầu phục vụ thi công dự án.

Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các khối lượng công việc còn lại (chi trả đất vườn, đất ở; xây dựng các khu tái định cư; di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tổ chức di dân tái định cư), đảm bảo bàn giao mặt bằng cho dự án trước quý II/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân huyện Can Lộc bị ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc - Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 2 khu đất (kho vũ khí, trang bị tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà và trường bắn Trung đoàn 841 tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên); việc bồi thường, GPMB, thu hồi đất đối với các khu vực mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác; việc bồi thường, GPMB diện tích khu vực mỏ không đủ điều kiện hoạt động nhưng nằm ngoài ranh giới GPMB.

Đối với dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt của giai đoạn 2017 - 2020, tiến độ thi công nhìn chung còn chậm (đoạn qua Hà Tĩnh mới đạt 27,3% hợp đồng), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đốc thúc chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là cầu vượt và nút giao với quốc lộ 8 để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao khí thế thi công nhộn nhịp, sôi nổi trên các công trường, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, 2 vấn đề quan trọng nhất với các dự án cao tốc là nguồn vốn và ý thức của toàn dân thì đã có, vấn đề là việc tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất, chuyển hóa quyết tâm chính trị rất cao thành hành động.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác GPMB - khâu có ý nghĩa quyết định tới tiến độ các dự án, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện nay, GPMB giai đoạn 2 đã nhanh hơn so với giai đoạn 1 nhưng vẫn còn vướng mắc nên các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, khẩn trương giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện nhanh công tác GPMB, xây dựng khu tái định cư để sớm ổn định cuộc sống của người dân.

Về vấn đề vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương rà soát lại để kịp thời khắc phục, tạo điều kiện cho nhà thầu, chủ đầu tư, góp phần giảm giá thành, không chấp nhận tình trạng găm hàng, ép giá. Nếu địa phương này không đủ nguyên vật liệu thì liên hệ với các địa phương khác để xử lý.

“Vướng mắc thuộc bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải chủ trì, phối hợp để giải quyết, không để kéo dài, làm việc nào dứt điểm việc đó. Những kiến nghị của các đơn vị, các tỉnh tại cuộc họp hôm nay phải giải quyết dứt điểm trong tháng 2/2023, không để kéo dài” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, Thủ tướng đã yêu cầu mỗi gói thầu trong giai đoạn 2 ít nhất phải khoảng 50 km.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc thi công các dự án bảo đảm an toàn; đáp ứng tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; không đội giá; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; quan tâm đời sống công nhân...

Chủ đề GPMB cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói