Không chủ quan với ổ dịch sốt xuất huyết tại thị xã Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Đã gần 6 ngày không phát hiện ca bệnh mới nhưng ổ dịch sốt xuất huyết ở thôn 2 Hải Phong (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên không thể chủ quan, lơ là.

Khởi phát ca bệnh từ ngày 21/7 đến nay, ổ dịch sốt xuất huyết ở thôn 2 Hải Phong xã Kỳ Lợi đã ghi nhận 35 trường hợp mắc. Dù Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở nhanh chóng vào cuộc khoanh vùng, dập dịch song đến nay tình hình dịch vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân vẫn chủ quan, ý thức vệ sinh môi trường còn hạn chế.

AG7A8496.jpg
Cán bộ Trạm Y tế xã Kỳ Lợi thăm hỏi sức khoẻ bà Chu Thị Chuộng sau khi điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Sau 10 ngày điều trị tích cực tại Trạm Y tế xã, đến nay, sức khỏe của bà Chu Thị Chuộng (thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi) đã ổn định và được trở về nhà. Bà Chuộng cho biết: “Tôi là người đầu tiên trong nhà bị sốt xuất huyết, sau đó liên tiếp 3 người là con cháu đều bị lây bệnh. Quanh khu vực gia đình tôi sống có ao tù, nước đọng nên muỗi nhiều. Tuy vậy, chúng tôi cũng chủ quan không mắc màn khi ngủ nên mới dẫn đến tình trạng lây nhiễm bệnh".

Thôn 2 Hải Phong có 400 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, mật độ dân cư đông, môi trường sống ẩm thấp, các phế thải, dụng cụ chứa nước trong hộ dân vẫn còn nhiều… Những yếu tố này là điều kiện hình thành ổ dịch ở thôn này và nguy cơ lây lan sang thôn 1 Hải Phong rất cao.

DJI_0115.jpg
Thôn 1 và thôn 2 Hải Phong có mật độ dân cư đông đúc.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong nhiều ngày qua, ngành Y tế thị xã Kỳ Anh đã phối hợp với địa phương ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh... Ngành chức năng cũng tiến hành phun hóa chất diệt muỗi cho các hộ dân ở thôn 2 và thôn 1 Hải Phong. Đội ngũ cán bộ y tế cũng đã kịp thời đưa các trường hợp mắc sốt xuất huyết đến cơ sở y tế điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Sơn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Lợi thông tin: “Trong số 35 ca mắc sốt xuất huyết, trạm đã trực tiếp điều trị cho 28 người, số bệnh nhân còn lại được chuyển lên tuyến trên. Từ ca bệnh cuối cùng được phát hiện vào ngày 9/8, tính đến nay đã gần 6 ngày không phát hiện ca mắc mới. Tuy nhiên, thôn 1 và thôn 2 Hải Phong đông dân cư, môi trường sống khá ẩm thấp, nhiều công nhân làm cho các dự án trên địa bàn nên nguy cơ bùng phát dịch diện rộng rất dễ xảy ra. Vì vậy, chúng tôi luôn tập trung tinh thần ứng phó tốt nhất, tuyệt đối không chủ quan, lơ là”.

z5659940053937_314df6a55345ccc73e23b85b5a336a68.jpg
z5659940057459_ca7edab8e63b784ac3d6821303dcdd95.jpg
AG7A8500.jpg
Dân cư đông đúc, môi trường ẩm thấp... là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết hoành hành tại thôn 2 Hải Phong.

Ngành Y tế TX Kỳ Anh đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền cho người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội... về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng, không để bệnh hình thành và bùng phát thành ổ dịch mới.

Bác sỹ Võ Văn Phong- Giám đốc Trung tâm Y tế TX Kỳ Anh cho biết: “Thôn 1 và thôn 2 Hải Phong có hơn 800 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, ngoài ra còn có hơn 500 lao động ngoại tỉnh tạm trú, nếu không khoanh vùng, kiểm soát tốt sẽ dễ dẫn tới tình trạng bùng phát dịch sốt xuất huyết với tốc độ lây lan nhanh hơn so với các địa bàn khác.

Thêm vào đó, thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Do vậy, TX Kỳ Anh tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền, dọn vệ sinh, phun hoá chất diệt muỗi để đảm bảo không phát sinh thêm ổ dịch mới tại đây. Bà con nhân dân cũng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống sốt xuất huyết...".

Ngành Y tế khuyến cáo, hiện nay, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, người dân cần chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre… để không cho muỗi đẻ trứng.

Tham gia tích cực các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại khu dân cư do ngành y tế và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động.

Video: Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Chuyển giao phương pháp chữa trị rối loạn phổ tự kỷ trẻ em

Chuyển giao phương pháp chữa trị rối loạn phổ tự kỷ trẻ em

Từ 26-30/8, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh phối hợp với Viện Sức khoẻ tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức cập nhật kiến thức về rối loại phổ tự kỷ trẻ em cho các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ tâm lý tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh.
Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ lừa dối người tiêu dùng

Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ lừa dối người tiêu dùng

Việc quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ qua mạng, trong đó có hàng "xách tay" rất khó khăn. Mặt khác, do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo lừa dối...