Kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSTP ở Hà Tĩnh: Mắt xích yếu từ cấp xã!

(Baohatinh.vn) - Do hạn chế về năng lực và tâm lý nể nang nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm ở cấp xã tại Hà Tĩnh chưa mang lại nhiều kết quả tích cực.

Đoàn liên ngành cấp tỉnh kiểm tra tại huyện Nghi Xuân.

Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, khi các đoàn liên ngành cấp tỉnh và huyện đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm thì đối với tuyến xã, kết quả xử lý lại hết sức khiêm tốn.

Tại huyện Nghi Xuân, lực lượng chức năng tuyến huyện và tuyến xã đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm ATVSTP, trong đó, cấp huyện phát hiện 1 cơ sở, cấp xã phát hiện 8 cơ sở. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở vi phạm đều không bị xử lý.

Còn tại huyện Thạch Hà, trong đợt kiểm tra vừa qua, toàn huyện phát hiện 65 cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP, trong đó, cấp huyện phát hiện 4 cơ sở, cấp xã phát hiện 61 cơ sở. Điều đáng nói là, trong khi đoàn liên ngành cấp huyện phát hiện vi phạm đều kiên quyết xử phạt nghiêm theo quy định thì cấp xã lại không xử lý bất kỳ một cơ sở vi phạm nào.

Đoàn liên ngành cấp tỉnh kiểm tra tại một cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Theo ông Võ Văn Dũng - Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Hà, sau khi phát hiện vi phạm, chủ tịch UBND các xã, thị trấn đều có quyền ra quyết định xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, có thể là do năng lực tham mưu trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm ở tuyến cơ sở còn yếu nên chưa thực hiện tốt việc xử lý theo đúng quy định.

Việc lực lượng chức năng tuyến xã khi phát hiện vi phạm nhưng lại thiếu các biện pháp xử lý đang là tình trạng chung. Thậm chí, các địa phương dù ra quân kiểm tra rất nhiều như: Can Lộc, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, TX Hồng Lĩnh... song lại không phát hiện cơ sở nào vi phạm quy định. Trong khi đoàn liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện dù đi kiểm tra số lượng không lớn song đều phát hiện kịp thời các cơ sở vi phạm để xử lý. Qua đó, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về chất lượng của các cuộc kiểm tra, thanh tra từ lực lượng chức năng cấp xã ở các địa phương này !?.

Qua kiểm tra cho thấy, vẫn đang còn tình trạng kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng nhập lậu…

Theo số liệu cập nhật từ Chi cục ATVSTP tỉnh, trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, lực lượng chức năng tuyến xã phát hiện 168 cơ sở vi phạm, tuy nhiên chỉ có 21 cơ sở bị xử phạt hành chính theo quy định, trong đó 11 cơ sở bị buộc tiêu huỷ hàng hoá, thực phẩm.

Theo bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, việc thanh tra, kiểm tra phát hiện các vi phạm mà không xử lý là sai quy định. Hơn nữa, như thế sẽ không tạo được tính răn đe và nâng cao được nhận thức cho người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do năng lực thanh tra, kiểm tra của các lực lượng tuyến xã còn yếu. Cơ quan quản lý nhà nước và ban chỉ đạo cấp xã ở nhiều nơi vẫn chưa nắm bắt hết các chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo Quyết định 32/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 14/6/2019 về quy định quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nể nang nên chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về ATVSTP tại tuyến xã, phường, thị trấn trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng nhất là chú trọng tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cho cán bộ quản lý ở cơ sở. Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định về bố trí cán bộ, công chức kiêm nhiệm để thực hiện tốt công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn.

Bà Đào Thị Phương
Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói