Một góc thành phố Hà Tĩnh
Hà Tĩnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH 9 tháng đầu năm 2018 trong điều kiện có những thuận lợi từ kết quả tốt đẹp trong năm 2017, xu hướng phát triển tích cực 6 tháng đầu năm 2018. Cùng với đó, những tín hiệu vui trong công tác thu ngân sách với 9 tháng đạt hơn 9.000 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 4.500 tỷ đồng (bằng 112% so với cùng kỳ năm trước), thu xuất nhập khẩu gần 4.527 tỷ đồng (bằng 220% so với cùng kỳ năm trước) là minh chứng rõ nét cho tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, bám sát cơ sở của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Ông Lương Trường Thọ - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh, cho biết, nhận thấy dư địa thu xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh trong những tháng cuối năm khả quan nên vừa qua, Tổng cục Hải quan giao cho đơn vị tăng thu 2.800 tỷ đồng. Đây thực sự là một thách thức đối với ngành, nhưng tin rằng, với nền tảng kinh tế ổn định của 9 tháng qua và sự phát triển sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng thu là hoàn toàn khả thi.
Dự án Fomosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động sản xuất ổn định, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp địa phương cũng như của cả nước. Công nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và tăng cả ở 4 ngành công nghiệp cấp I, trong đó, tăng mạnh là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Việc Formosa đưa lò cao số 2 đi vào hoạt động đúng kế hoạch (tháng 5/2018) tạo thêm sản phẩm góp phần tăng trưởng chung cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Tĩnh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2018 ước tính tăng 3,73% so với tháng trước và tăng 59,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,79%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 68,59%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính chung 9 tháng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 110,44% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo điều tra, khảo sát của Cục Thống kê Hà Tĩnh tại 45 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh thì, sản xuất kinh doanh 9 tháng qua giữ vững ổn định và phát triển, nhiều tín hiệu khả quan trong những tháng tiếp theo.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp, lĩnh vực thương mại – dịch vụ cũng đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng 9 tháng qua. Theo đó, 9 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 26.323,39 tỷ đồng, tăng 13,32% so cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.664,72 tỷ đồng, tăng 10,96% so với cùng kỳ năm trước.
“So sánh cùng kỳ các năm 2016 – 2017 cho thấy, tổng mức bán lẻ 9 tháng năm 2018 tăng hơn năm 2017 là 12,68 điểm % và năm 2016 là 14,37 điểm %. Điều đó chứng tỏ, nhu cầu hàng tiêu dùng của người dân ngày càng lớn; đồng thời, phản ánh lĩnh vực bán lẻ ở Hà Tĩnh đang có nhiều tín hiệu khả quan, là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước” – ông Nguyễn Việt Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh nhận định.
Hà Tĩnh đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư và ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực du lịch, trong đó, du lịch biển được xác định là sẽ tạo sự đột phá cho ngành công nghiệp không khói tỉnh nhà
Bên cạnh những kết quả lạc quan về KT-XH, những tháng đầu năm, Hà Tĩnh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, chất đốt... tăng làm cho sức ép lạm phát cũng tăng so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp giao ban tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định, để các mục tiêu phát triển KT-XH cả năm 2018 đạt và vượt kế hoạch đặt ra thì chúng ta không được chủ quan mà cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để tạo sự ổn định và đột phá. Trên cơ sở các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018 cùng với kết quả đã đạt được những tháng đầu năm, phải tiếp tục xem xét, đánh giá một cách cụ thể, khách quan đối với từng nội dung, từng ngành, lĩnh vực để có các giải pháp hiệu quả và sát đúng với tình hình thực tế của địa phương, nhất là đối với những nội dung, lĩnh vực còn nhiều hạn chế.
Một số chỉ tiêu kinh tế đạt được 9 tháng đầu năm 2018: Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ) Sản xuất công nghiệp tăng 110,44% Năng suất lúa cả năm ước đạt 51,94 tạ/ha, tăng 22,1% (tăng 9,41 tạ/ha), Sản lượng lúa cả năm ước đạt 533.947 tấn, tăng 20,6% (tăng 91.218 tấn) Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 35.213 tấn, tăng 4,98%, (tăng 1.669 tấn) |