Nghề làm hương trầm chỉ mới xuất hiện ở xã Phúc Trạch cách đây khoảng 4 năm. Từ những sản phẩm thô sơ, đơn giản ban đầu, đến nay, người dân đã đầu tư công nghệ, học hỏi kỹ thuật để đa dạng các sản phẩm từ cây dó trầm.
Bởi vậy, đến làng Phúc Trạch vào những ngày trước tết Nguyên đán này, từ xa, mùi hương trầm thơm đã phảng phất trong gió.
Với sản phẩm hương thẻ, người dân sản xuất hoàn toàn bằng máy. Khác với các sản phẩm hương, nhang khác, thì hương thẻ của người Phúc Trạch còn có thành phần là trầm hương của cây dó bầu.
Có những sản phẩm được làm hoàn toàn bằng trầm hương, giá trị cũng cao hơn các loại hương khác nhiều lần.
Trong khi đó, sản phẩm hương cuốn lại được làm thủ công hoàn toàn. Do đơn đặt hàng lớn, những ngày này, người thợ cuốn hương thường làm việc từ sáng sớm cho đến hơn 10 giờ đêm.
Hương cuốn với thành phần từ trầm hương có mùi thơm dịu ngọt, ấm áp.
Dù làm thủ công nhưng hương cuốn đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mẫn của người thợ.
Anh Nguyễn Chí Thành - chủ cơ sở sản xuất trầm hương ở thôn 4 xã Phúc Trạch chia sẻ, thời điểm này là mùa bận rộn nhất trong năm của người làm hương trầm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 2.000 thẻ hương (mỗi thẻ 20 que) tương đương với 1 tạ bột nguyên liệu. Riêng sản phẩm hương trầm Phúc Trạch sản xuất 100% từ trầm hương của cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, ở Phúc Trạch còn có 1 sản phẩm rất độc đáo là trầm nụ. Là sản phẩm mới ở địa phương, trầm nụ có thành phần trầm khá nhiều. Với đặc điểm khói chìm, khi đốt sẽ tạo thành thác khói khá đẹp mắt, bởi vậy, trầm nụ còn được để làm cảnh.
Trầm nụ được sản xuất thủ công, có khuôn tạo hình riêng.
Được sản xuất hoàn toàn từ trầm hương, song, một số sản phẩm trầm nụ có trộn phụ gia như quế, hương bài...
Ngoài ra, năm nay, ở Phúc Trạch còn có thêm sản phẩm hương trầm không tăm. Sản phẩm này dùng để đốt, xông trong phòng, trên xe ô tô... bằng các loại hộp đốt chuyên dụng. Ngoài mùi hương thơm đặc trưng, sản phẩm còn tạo ra sự tao nhã, sang trọng.
Để sản xuất trầm hương, nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ ở địa phương đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, ngày càng đa dạng hoá các sản phẩm từ cây dó trầm, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Đặc biệt, người dân ở đây cũng rất chú trọng xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường, nhiều sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Mỗi dịp tết đến, cùng với bánh chưng, dưa hành, câu đối, trên ban thờ tổ tiên mỗi gia đình không thể thiếu những nén hương thơm thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cháu với ông bà tổ tiên.