Lao động ly hương (bài 1): Muôn nẻo mưu sinh

(Baohatinh.vn) - Làm nông nghiệp khó khăn, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật phát triển sản xuất, nhiều lao động nông thôn phải rời bỏ quê hương đến những tỉnh, thành phố lớn tìm việc làm. Cứ sau mỗi dịp tết nguyên đán, nhiều làng quê lại trở nên vắng vẻ. Công tác giải quyết việc làm tại địa phương cho người lao động nông thôn vẫn đang là bài toán khó.

Sau thời gian nghỉ tết, hàng ngàn lao động Hà Tĩnh lại lên đường đến “miền đất hứa” tìm kế mưu sinh. Ảnh: TT

Sau thời gian nghỉ tết, hàng ngàn lao động Hà Tĩnh lại lên đường đến “miền đất hứa” tìm kế mưu sinh. Ảnh: TT

Sau những ngày sum vầy đón tết ít ỏi bên gia đình, người lao động các vùng nông thôn Hà Tĩnh lại tất tưởi lên đường đến các thành phố, khu công nghiệp… bắt đầu một năm mưu sinh với nhiều âu lo cũng như hy vọng mới. Nhiều làng quê trở nên vắng hẳn, dân cư chủ yếu phụ nữ, trẻ em, người già. Theo số liệu điều tra lao động, việc làm năm 2015 của UBND tỉnh, tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Hà Tĩnh làm việc tại nước ngoài và vùng lãnh thổ là 51.426 người, còn tại các địa phương khác trong nước là 95.445 người.

Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Hoàng (27 tuổi, quê xã Phúc Trạch, Hương Khê) khi anh đang đứng đợi tàu ở ga Hương Phố. Tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm đúng chuyên ngành, hàng năm, anh vẫn phải “Nam tiến” kiếm kế sinh nhai. “Tôi đi làm công nhân, lương thưởng không đáng bao nhiêu, tích góp từng ít một giúp đỡ gia đình trong lúc chờ tìm công việc ổn định hơn. Mỗi năm đến dịp tết, tranh thủ về quê thì tiền xe cộ tăng gấp mấy lần, chưa kể đủ thứ chi phí khác nữa, làm vất vả nhưng tiền tích trữ gần như không có” - anh Hoàng chia sẻ.

Còn vợ chồng chị Hương (28 tuổi) cũng khệ nệ mấy túi đồ đợi tàu, mắt đỏ hoe: “Đi thì nhớ nhà, thương con, nhưng ở nhà không làm gì ra tiền nên vợ chồng phải vào Gia Lai làm thuê, chứ vẫn biết không đâu bằng quê hương mình. Biết xa cha mẹ, con cái mình sẽ thiếu tình thương, có nhiều thiệt thòi, nhưng ở nhà làm ruộng thì không đủ chi tiêu, chỉ mong con ngoan”.

"Cơn lốc" ly hương khiến phụ nữ, người lớn tuổi trở thành lao động chính trên đồng ruộng.

"Cơn lốc" ly hương khiến phụ nữ, người lớn tuổi trở thành lao động chính trên đồng ruộng.

Nhiều người khác cũng rơi vào cảnh “cực chẳng đã” mới phải chọn cách ly hương. Việc làm phù hợp với bằng cấp thì khó, ở nhà làm ruộng cũng không đủ ăn và một lý do tế nhị khác mà theo anh Hoàng là “không chịu được áp lực dư luận, đi học về mà quanh quẩn ở nhà thì kiểu gì cũng có lời ra tiếng vào. Thà đi đâu cho “khuất mắt”, chứ ở nhà để làm kinh tế thì thiếu cả kinh nghiệm lẫn vốn đầu tư”. Tuy nhiên, đi làm công nhân ở những nơi xa, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, thiếu bền vững.

Tâm lý thích đi xa và không muốn chân lấm, tay bùn khiến rất nhiều lao động chọn con đường ly hương để lập nghiệp. Tuy nhiên, việc ly hương chưa hẳn đã đáp ứng được mong mỏi của những người lao động. Có người trở về có thể xây nhà, mua sắm xe cộ hay các vật dụng trong gia đình, nhưng cũng có nhiều người trở về không đồng xu dính túi. ở “miền đất hứa”, người lao động thiếu bằng cấp, làm trái ngành nghề được đào tạo, phải đối diện với nhiều thiệt thòi, cực nhọc, cạm bẫy; thu nhập, cuộc sống phụ thuộc vào doanh nghiệp… Trong khi đó, khu vực nông thôn lại thiếu lao động, sản xuất phần lớn dựa vào lao động lớn tuổi, phụ nữ nên không phát huy được năng suất tối đa.

(Còn nữa)

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.