Doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh phục hồi, tăng tốc sản xuất sau thời gian dài hoạt động cầm chừng vì dịch COVID-19; nhiều dự án tầm cỡ được triển khai đang mở ra cơ hội việc làm rộng lớn ngay từ đầu năm 2022. Hàng nghìn lao động Hà Tĩnh, trong đó có lao động hồi hương đang tiếp cận các vị trí việc làm để ổn định cuộc sống, đồng thời cung ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Nắm bắt nhu cầu lao động rất lớn của các DN trong và ngoài tỉnh, từ tháng 1/2022, 10 phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức tại các huyện, thị, thành phố có nhiều người trong độ tuổi lao động, nhất là lao động hồi hương. Tiếp đó, 2 phiên giao dịch sau tết được triển khai sớm hơn (trước Rằm tháng Giêng), vừa để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, vừa kịp thời phổ biến thông tin việc làm tại quê hương cho người lao động (NLĐ) cân nhắc, lựa chọn.
Từ tháng 1/2022, 10 phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức tại các huyện, thị, thành phố có nhiều người trong độ tuổi lao động, nhất là lao động hồi hương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Nhằm không để gián đoạn kết nối lao động - việc làm trong bối cảnh dịch COVID-19, bên cạnh thực hiện giãn cách, phòng dịch để các DN tham gia phỏng vấn trực tiếp, thì hình thức tuyển dụng online tiếp tục được thực hiện hiệu quả để các DN trong và ngoài tỉnh tiếp cận NLĐ. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến lao động hồi hương bằng cách chủ động tư vấn việc làm ngay khi họ đến trung tâm làm hồ sơ thất nghiệp. Theo thống kê, 10 phiên giao dịch được thực hiện từ đầu năm 2022 đến nay đã thu hút hơn 1.200 lao động tham gia, trong đó, hơn 200 lao động hồi hương. Dự kiến trong năm 2022, trung tâm sẽ tổ chức 60-70 phiên giao dịch việc làm. Ngoài các phiên cố định hằng tháng còn có các phiên chuyên đề cho DN có nhu cầu lớn và các phiên riêng đối với từng phân khúc lao động khác nhau để kết nối hiệu quả hơn nữa cung - cầu lao động”.
Lao động nộp hồ sơ tuyển dụng tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh
Lao động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại phiên giao dịch việc làm đầu xuân được tổ chức tại TX Kỳ Anh.
Tham gia phiên tuyển dụng việc làm đầu năm được tổ chức tại TX Kỳ Anh, Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải (đóng tại phường Kỳ Trinh) có nhu cầu tuyển 128 vị trí việc làm cho nhà máy. Phó Giám đốc công ty Đặng Văn Chiến cho biết, đến thời điểm này, DN đã tuyển được 30 nhân sự và đang tiếp tục nhận hồ sơ để tổ chức phỏng vấn tìm nhân lực phủ kín các vị trí, đưa bộ máy vào vận hành từ quý II năm 2022. Công việc ổn định với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng, các chế độ lao động được đảm bảo là cơ sở để DN kỳ vọng tìm được nguồn nhân lực gắn bó lâu dài với công ty.
Ông Đặng Văn Chiến – Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm đầu xuân được tổ chức tại TX Kỳ Anh.
Cũng có mặt trong phiên giao dịch việc làm đầu năm, ông Chu Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) cho biết: “Qua nắm bắt thực tế tuyển dụng của các DN, tôi thấy nhu cầu lao động ở Khu kinh tế Vũng Áng nói chung và hơn 30 DN trên địa bàn xã nói riêng hiện rất lớn. Không chỉ lao động có tay nghề mà lao động phổ thông cũng có khá nhiều sự lựa chọn việc làm. Những năm gần đây, tỷ lệ lao động đi làm ăn xa quê ở địa phương ngày càng ít hơn”.
Lao động tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm đầu xuân được tổ chức tại TX Kỳ Anh.
Theo kết quả khảo sát nhu cầu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, trong tháng 2/2021, có 63 DN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng với 8.600 lao động tại nhiều vị trí việc làm, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính bình quân cả năm, nhu cầu nhân lực mỗi tháng khoảng 4-5 nghìn lao động, tăng gấp 1,5-2 lần so với năm ngoái. Riêng với số DN hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh, trong tháng 2 có 59 DN tuyển dụng hơn 4.500 lao động, nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lớn với hàng nghìn công nhân.
Chị Lê Thúy Hiền phụ trách nhân sự Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh
Chính thức hoạt động từ tháng 11/2021, Công ty CP May Five Star Hà Tĩnh đóng tại Khu Công nghiệp Đại Kim (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) đã góp phần làm sinh động hơn bức tranh việc làm ở Hà Tĩnh. Với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, dự kiến sản xuất 10 triệu sản phẩm quần áo xuất khẩu/năm, DN cần có 3.000 lao động theo lộ trình trong năm. Để thu hút nhân công, ngoài đảm bảo các chế độ, quyền lợi theo pháp luật, công ty tung ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút lao động như: hỗ trợ ăn ca, xe đưa đón, tiền nhà trọ... Nhờ vậy, chỉ sau 3 tháng tuyển dụng, DN đã tuyển được hơn 600 công nhân, sản xuất 3 lô hàng đầu tiên với gần 100.000 sản phẩm.
Công ty CP May Five Star Hà Tĩnh đóng tại Khu Công nghiệp Đại Kim (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) đã góp phần làm sinh động hơn bức tranh việc làm ở Hà Tĩnh.
Ông Trần Đức Lịch - Giám đốc Công ty CP May Five Star Hà Tĩnh cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn, lại là DN mới, cách xa trung tâm nhưng trong thời gian ngắn, công ty đã tuyển dụng được số lao động tương đối lớn. Đó là động lực để năm 2022 công ty đạt mục tiêu tuyển dụng thêm 2.400 công nhân. Sau tết Nguyên đán, công ty đã nhận được hơn 200 hồ sơ xin việc. Mong rằng, con số này tiếp tục tăng để đảm bảo nhu cầu tuyển dụng cũng như công suất hoạt động của DN trong thời gian tới”.
Cơ hội việc làm rộng lớn ở quê hương cùng với tác động của dịch bệnh trong 2 năm gần đây đang khiến nhiều lao động trẻ thay đổi ý định làm việc xa nhà, đồng thời cũng khiến không ít lao động hồi hương quyết định ở lại quê hương. Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, tính từ đầu năm 2021 đến 10/12/2021, toàn tỉnh có 56.893 người di cư từ các địa bàn vùng dịch về Hà Tĩnh, trong đó có 29.231 người trong độ tuổi lao động trở về mất việc làm. Trong số đó, có khoảng 8-9 nghìn lao động (chiếm tỷ lệ gần 30%) quyết định ở lại quê hương làm công nhân, phát triển mô hình kinh tế hoặc lao động tự do.
-
Giờ làm việc của công nhân Công ty CP May Fivestar Hà Tĩnh
Là một trong số những lao động được tuyển dụng đợt đầu tại Công ty CP May Five Star Hà Tĩnh, em Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 2003, quê xã Sơn Tây, Hương Sơn) chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THCS, em đã đi làm phục vụ nhà hàng một thời gian. Khi nghe tin trên địa bàn huyện có DN đang tuyển dụng lao động, em nộp hồ sơ ngay. Sau hơn 3 tháng làm việc, em thấy môi trường ở đây rất phù hợp nên quyết định sẽ gắn bó lâu dài, học hỏi để nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu của DN”.
Sau hơn 12 năm bôn ba mưu sinh ở Bình Dương, tháng 8/2021, dịch COVID-19 khiến anh Trần Mạnh Hùng (SN 1986, quê ở huyện Can Lộc) phải khăn gói về quê. Kết thúc thời gian cách ly theo quy định, anh Hùng quyết định ở lại quê hương tìm kế mưu sinh và được Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh (Đức Thọ) tiếp nhận vào làm việc. Mức thu nhập dù không cao như ở Bình Dương nhưng đổi lại, anh tìm được công việc phù hợp với tay nghề. Quan trọng hơn, anh Hùng được sống gần gia đình, đi lại thuận tiện và tìm thấy sự an yên trong suy nghĩ mà bấy lâu tha phương cầu thực không thể có được. Anh Hùng trải lòng: “Những mất mát do dịch bệnh đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ và mong muốn tìm sự ổn định cho tương lai. Có tay nghề và kinh nghiệm nên khi vào làm việc tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh, tôi được bố trí làm tổ phó tổ cắt. Tôi đang dự định xin cho vợ cùng vào làm việc tại đây để ổn định cuộc sống lâu dài ở quê nhà”.
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng khiến chị Hồ Thị Minh (SN 1992) và chị Trần Thị Xoan (SN 1999), cùng quê xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) rời các tỉnh miền Nam trở về quê. Gần nửa năm làm việc tại Công ty TNHH May và Thương mại Đăng Nhật (xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên), các chị đã ổn định cuộc sống ở quê nhà. “Dù thu nhập có thấp hơn khi làm việc ở miền Nam nhưng bù lại nhà chỉ cách nơi làm việc 3 km, tan ca, tôi về nhà chăm sóc con gái nhỏ nên cảm thấy cuộc sống rất yên lành”.
Từ Bình Dương trở về tránh dịch, chị Hoàng Thị Vĩnh (SN 1990), xã Phúc Trạch, Hương Khê đã quyết định ở lại phát triển mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình
Ngoài các công trường, nhà máy thì kinh tế nông thôn với nhiều cơ hội phát triển bền vững cũng đang giữ chân nhiều lao động. Như vợ chồng chị Hoàng Thị Vĩnh (SN 1990, quê xã Phúc Trạch, Hương Khê) sau khi từ Bình Dương trở về đã quyết định ở lại phát triển mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình. “Được sự hỗ trợ của bố mẹ, vợ chồng, tôi đã khai khẩn gần 5.000 m2 đất đồi để trồng 500 gốc dó trầm và 30 gốc bưởi. Chồng tôi tiếp tục làm nghề lái xe đường dài, còn tôi sẽ làm thêm ruộng, trồng rau 4 mùa, nuôi thêm gà. Nhiều năm tha phương vất vả nhưng tích lũy cũng chẳng là bao, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, tôi không còn ý định xa quê mưu sinh nữa. Hơn thế, bây giờ con trai cũng đã đến tuổi đi học, tôi muốn ổn định cuộc sống ở quê để tạo điều kiện cho con cái học hành” - chị Vĩnh bày tỏ.
Dẫu số lượng người lao động quan tâm tìm kiếm cơ hội việc làm có nhiều khởi sắc nhưng con số tuyển dụng thành công vẫn còn thấp so với nhu cầu DN. Trong ảnh: nhiều dây chuyền sản xuất của Công ty CP May Fivestar Hà Tĩnh đang “mòn mỏi” chờ người lao động.
Lao động - việc làm sôi động từ đầu năm và đang tiếp tục hứa hẹn nhiều cơ hội mới không chỉ trong năm 2022 mà cả trong giai đoạn tới, khi các dự án lớn trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động và các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, dẫu số lượng lao động quan tâm tìm kiếm việc làm nhiều nhưng con số tuyển dụng thành công vẫn còn thấp so với nhu cầu của DN. Chỉ tính qua kênh sàn giao dịch của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, sau 10 phiên giao dịch đầu năm, tính đến giữa tháng 2/2022, trong tổng số hàng nghìn vị trí việc làm, các DN chỉ mới tuyển được hơn 200 lao động, trong đó có 15% lao động hồi hương. Lao động Hà Tĩnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng cho DN trên địa bàn, trong khi toàn tỉnh vẫn còn hơn 100 nghìn lao động làm việc ở các khu kinh tế, khu công nghiệp trong cả nước.
>> Bài 2: Dòng chảy lao động ly hương chưa dễ “đảo chiều”
>> Bài 3: Làm gì để giữ chân lao động?
Thiết kế: Thành Nam
(Còn nữa)